Thời gian qua tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm nhập lậu cùng với mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm có chiều hướng diễn biến phức tạp. Bởi, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để thu lợi nhuận cao.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, năm 2023 đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Liên tiếp phát hiện, xử lý vi phạm
Vụ việc điển hình nhất mới đây, chiều 25/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa kiểm tra tại Công ty TNHH DECB LOGISTIC có địa chỉ tại đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, do N.Đ.A. (sinh năm 1982), làm đại diện, phát hiện trong kho lạnh của công ty đang lưu trữ số lượng lớn nội tạng động vật đông lạnh gồm: Bao tử heo, vú heo, dồi trường heo, trứng gà non và sách bò đông lạnh. Tổng số lượng nội tạng lưu kho là 24.915kg gồm 3.110 kg bao tử heo; 9.150 vú heo; 7.095kg dồi trường heo; 650kg trứng gà non và 5000 sách bò – trị giá lô hàng vào khoảng hơn 2.4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, toàn bộ số lượng nội tạng trên không có nguồn gốc xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng và đại diện công ty cũng không xuất trình được hóa đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch… liên quan đến số hàng hóa đông lạnh này. Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện kho lạnh công ty khai nhận toàn bộ số lượng thực phẩm đông lạnh nêu trên là của công ty lưu bảo quản tại kho lạnh, chuẩn bị bán ra thị trường trong dịp Lễ, Tết cuối năm theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Hay trước đó, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn (lên tới hơn 90 tấn hàng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây là kho hàng của Công ty TNHH An Việt có địa chỉ tại Lô 45-2 Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con...
Tương tự tại Lào Cai, Đội tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai vừa phát hiện và bắt giữ khoảng 1 tấn cá tầm nhập lậu từ bên kia biên giới về Việt Nam.
Theo đó, đội tuần tra tiến hành kiểm tra phía dưới bờ sông biên giới, tại khu vực cách Mốc 100 khoảng 150m về phía hạ lưu sông Hồng phát hiện 2 thuyền phao lắp động cơ điện có khoảng 20 bao tải, bên trong mỗi bao đều là hộp xốp có túi đựng cá tầm đã chết. Tổng khối lượng cá tầm khoảng 1 tấn. Đội tuần tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, đưa 3 đối tượng có liên quan cùng toàn bộ số hàng hóa và thuyền phao về Đồn Biên phòng để xác minh, điều tra làm rõ.
Tăng cường kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng
Thực tế, thời điểm cuối năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường dịp Tết, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,... Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 (Kế hoạch). Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Theo Kế hoạch sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.