Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất Việt Nam với hơn 29km, chiều rộng trung bình 140m, có tổng kinh phí đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, được thông xe vào tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long có 2 dải đường cao tốc và 2 dải đường đô thị. Dải đường cao tốc có 4 làn với 2 làn cho phép tốc độ tối đa 100km/h, 1 làn tốc độ 80km/h và 1 làn dừng khẩn cấp. Dải đường đô thị có 2 làn đường hỗn hợp, tốc độ tối đa 50km/h.
Năm 2019, đại lộ Thăng Long được xén đường gom và mở rộng thêm 18,5m với 4 làn xe đoạn từ cầu vượt Mễ Trì đến cầu vượt Phú Đô (chiều dài khoảng 1,8km), Như vậy, ở đoạn này, đại lộ Thăng Long có tới 16 làn xe chạy.
Đại lộ Thăng Long đi qua những khu đô thị lớn như Vinhomes Green Bay Mễ Trì - Mễ Trì Thượng - Vinhomes Smart City - Geleximco - Bắc An Khánh - Nam An Khánh - Sunny Garden Quốc Oai - Ngôi Nhà Mới - Quốc Oai. Với tốc độ tối đa lên đến 100 km/h, việc đi từ trung tâm Hà Nội đến Hoà Lạc chỉ mất khoảng 20 phút.
Ảnh: Dân trí
Đối với Hà Nội, tuyến đường này kết nối khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như: Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Ha.
Đại lộ Thăng Long có điểm đầu được tính từ nút giao Trung Hòa (Cầu Giấy), điểm cuối ở vị trí nút giao Hòa Lạc. Tại điểm đầu, cây xanh được trồng đa tầng phía trên kết hợp thảm cỏ được tạo hình ở mặt đất, quy mô lên đến 5 hàng cây xanh tạo nên hệ thực vật phong phú.
Ảnh: Dân trí
Thời điểm trước 2016, tuyến đường này chưa có nhiều cây bóng mát mà chỉ có cây tán thấp như trúc anh đào, hoa dâm bụt, thảm cỏ, hoa.... Sau đó thành phố triển khai trồng hàng chục nghìn cây xanh tạo cảnh quan, xanh mát từ huyện Ba Vì về đến Trung tâm hội nghị Quốc gia. Thông tin trên báo Dân trí cho biết, cây xanh được trồng nhiều trên toàn tuyến theo hết đại lộ, có thời điểm chi phí cắt tỉa cây lên đến 53 tỷ đồng/năm.
Tuyến đường này còn có hệ thống cây xanh phong phú bậc nhất với 4 tầng: cỏ, cây mảng khóm, cây bụi và cây thân gỗ. Ảnh: Doanh nghiệp và tiếp thị
Theo quy hoạch đến năm 2030, Hoà Lạc sẽ là đô thị khoa học công nghệ, sinh thái nghỉ dưỡng có quy mô dân số lên đến 600.000 dân. Khi ấy, đại lộ dài nhất, rộng nhất Việt Nam sẽ trở nên vô cùng tấp nập. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.