Nỗ lực “kìm” giá thép tăng

(CL&CS) - Giá thép trong nước đang tăng “phi mã”, dự báo, trong năm 2021 tiếp tục có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm phương án để kìm giá thép tăng cao.

Giá thép tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 4/2021, nhập khẩu các loại nguyên liệu sắt thép gồm phôi thép, phế liệu sắt thép, quặng và khoáng sản khác, than các loại đều tăng cả lượng và giá trị. Trong đó, tăng mạnh nhất là phôi thép với sản lượng 224 tấn, giá trị 541.600 USD, lần lượt tăng hơn 146% về lượng, 193% về giá trị. Cộng dồn từ đầu năm đến giữa tháng 4/2021, nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh.

Giá các nguyên liệu thép nhập khẩu tăng cao đã kéo giá thép trong nước cũng theo đó tăng lên chóng mặt. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý cuối năm 2020.

Còn Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong tháng 3/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với tuần đầu của tháng 2 trên cả thị trường toàn cầu và Việt Nam.

Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900-16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Cũng theo VSA, một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng là do giá phôi thép đầu tháng 4/2021 ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn, tương đương tăng khoảng 5% so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 46% so với cùng thời điểm năm 2020.

Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4/2021 ở mức 795 USD/tấn, tăng khoảng 85 USD/tấn, tương đương hơn 11% so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá 700 USD/tấn vào đầu tháng 12/2020. 

Theo Cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép nói trên tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Về năng lực nguồn cung đối với sản phẩm thép thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid- 19 khiến các nhà máy đóng cửa, vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.

Cũng theo Bộ Xây dựng, đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Ảnh: M.H

"Chặn" giá thép tăng

Bộ Xây dựng vừa có công văn 1545/BXD-KTXD ngày 10/5/2021 gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng.

Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Cũng theo Bộ Xây dựng, đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng. 

Tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng.

Đồng thời dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án. 

Ngoài ra, cần đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Về phía Bộ Công thương cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

.

TIN LIÊN QUAN