Nhiều “ông lớn” ngành dược kinh doanh khởi sắc năm 2022

(CL&CS) - Kết thúc năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành dược đạt mức tăng trưởng dương về lợi nhuận. Nhiều “ông lớn” trong ngành đều đạt kết quả ngoài mong đợi.

Kết thúc năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành dược đạt mức tăng trưởng dương về lợi nhuận.

Không ngoài kỳ vọng, CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) là cái tên thu lãi “khủng” nhất nhóm doanh nghiệp ngành dược. Cả năm 2022, doanh thu thuần của DHG đạt 4.674 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế tăng 27% lên mức 1.100 tỷ đồng, đây cũng là lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty này.

Năm 2022, DHG đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước đạt 853 tỷ đồng. Như vậy, DHG đã hoàn thành vượt 10,8% chỉ tiêu doanh thu và 45% kế hoạch lợi nhuận.

CTCP Traphaco (HoSE: TRA) cũng kết năm bằng mức lãi tăng trưởng tốt dù quý 4 đi lùi với lợi nhuận giảm hơn 38% so với cùng kỳ, còn hơn 42 tỷ đồng. Theo đó, cả năm 2022, TRA đạt doanh thu gần 2,4 ngàn tỷ đồng, thu lãi ròng 269 tỷ đồng, đều tăng trưởng 11% so với năm trước. Công ty hoàn thành vượt 2,2% kế hoạch doanh thu và 2,5% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành là CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) cũng có một năm kinh doanh rất khởi sắc. Cả năm, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.643 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 302 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 26% so với năm 2021 và thiết lập mốc kết quả kỷ lục. So với kế hoạch năm 2022, công ty đã vượt 13% kế hoạch doanh thu và vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận.

CTCP Dược Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) trải qua quý 4 với lợi nhuận tăng ấn tượng, lên hơn 79 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 47%. Cả năm 2022, DBD vẫn thu lãi gần 244 tỷ đồng, tăng trưởng 29%; đồng thời đạt mốc 20.000 khách hàng, tăng 21% so với năm 2021.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngành dược lại có kết quả năm đi xuống, đơn cử như Vinapharm (Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP, HoSE: DVN) chứng kiến một năm giảm sút nặng nề về lợi nhuận, với mức lãi ròng chỉ 86,5 tỷ đồng (giảm 56%). Nguyên nhân chủ yếu ở các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính - khoản mục khiến lợi nhuận sau thuế quý 4 của doanh nghiệp giảm mạnh, thậm chí làm DVN phải báo lỗ trong quý 2.

Hai cái tên khác cũng đành phải báo lỗ là DP2 (Dopharma, Dược phẩm Trung ương 2) và LDP (Ladophar, Dược Lâm Đồng). Trong đó, DP2 dù báo doanh thu tăng nhẹ 5%, đạt 188 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 23,4 tỷ đồng (năm 2021 lỗ 18 tỷ đồng), chủ yếu vì chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao.

Với LDP, công ty lỗ ròng gần 39 tỷ đồng trong năm 2022 dù năm trước lãi 38 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 4 đã lỗ hơn 11,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 55,4 tỷ đồng). Nguyên nhân do các chi phí hoạt động của công ty tăng mạnh, một phần từ chi phí lãi trái phiếu, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và do tăng đầu tư hoạt động marketing, mở rộng thị trường…

Năm 2023, SSI Research dự báo, tăng trưởng của ngành dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Trong đó, doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.

Công ty chứng khoán cho rằng, bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là Traphaco).

TIN LIÊN QUAN