Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; khơi dậy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ và các di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh.
Cụ thể, nội dung phần Lễ bao gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (ngày 25/4/2023); Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" (ngày 29/4/2023); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ, các địa phương, các tổ chức và của cộng đồng (từ ngày 20/4 - 29/4/2023). Việc tổ chức phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng đảm bảo văn minh, tiết kiệm, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp giáo dục truyền thống, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: “Tuần lễ diễn ra dưới hình thức liên hoan giao lưu, trình diễn, qua đó tôn vinh, quảng bá, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng. Tham gia tuần lễ là 15 tỉnh, thành phố đang nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, tiêu biểu như: Nhã nhạc Cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Hát ví - dặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; Hát xoan Phú Thọ...
Các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ. Huy động cao nhất các nguồn lực xã hội hóa đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với mục tiêu trở thành lễ hội kiểu mẫu trên cả nước, tỉnh Phú Thọ đã đặt ra yêu cầu “5 không”, gồm: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tỉnh sẽ bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự 24/24 giờ và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của nhân dân và du khách tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng. Tính trang nghiêm, văn minh trong hoạt động lễ hội được chú trọng khi được bố trí lực lượng thường trực nhắc nhở du khách về trang phục, không lạm dụng dâng hương, vàng mã; giữ gìn trật tự trong không gian thờ tự...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng, Trưởng ban Tổ chức “Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023”, với mục tiêu tổ chức ngày càng tốt hơn các hoạt động của lễ hội, nhằm gìn giữ bản sắc truyền thống, tạo ấn tượng với đồng bào, du khách về với Đất Tổ, các đơn vị, ban, ngành liên quan cần phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa phương một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, huy động cao nhất các nguồn lực xã hội, sẵn sàng chào đón đồng bào và du khách thập phương.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, sẽ ra mắt cộng đồng tại lễ hội
Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 là một chuỗi các sự kiện, tiêu biểu như lễ khai mạc "Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh" (ngày 21/4); hội thảo quốc tế "Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam"; hội chợ du lịch Tây Bắc năm 2023; liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ; hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương...