Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày... bị giảm đơn hàng

(CL&CS) - Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông thường tới thời điểm này đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đã được lấp đầy đến giữa năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà máy đơn hàng giảm 20-40%, đơn giá chỉ còn 80% so với trước, dự báo việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. (Ảnh: minh họa)

Những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp đến nay là hơn 600.000 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50.000 người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).

Tại buổi làm việc mới đây, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, cho biết số liệu từ các cấp công đoàn, tính đến nay hơn 110.000 lao động trên địa bàn bị thiếu việc, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trong đó có 6.300 công nhân bị cắt giảm.

Đánh giá từ tổ chức công đoàn thành phố, sắp tới lao động còn gặp khó do nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng.

Đơn cử như Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân (gần 56.000 lao động) hiện cho 18.000 lao động nghỉ luân phiên vào thứ 7 trong tuần. So với các nhà máy trên địa bàn, Pou Yuen bị ảnh hưởng ít bởi được tập đoàn ưu tiên đơn hàng. Tuy nhiên, phía nhà máy dự báo tình hình sắp tới ảm đạm, gặp khó khăn trong sản xuất ít nhất 6 tháng đầu năm 2023.

Theo khảo sát Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza), về đơn hàng năm 2023 ở 240 doanh nghiệp cho kết quả 42% hụt đơn hàng với mức giảm trung bình 20%. Nhóm doanh nghiệp giảm chủ yếu ngành cơ khí, hóa nhựa, dệt may, da giày.

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban Hepza cho biết, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong Khu Công nghiệp thường chọn phương án cho lao động nghỉ phép năm, tuần làm việc 2-3 ngày, không tái ký hợp đồng mới. Ngoài ra, nhiều lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động.

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình cho biết, để tạo việc làm, ổn định thu nhập nhằm giữ chân lao động, giai đoạn này công ty chấp nhận sản xuất những đơn hàng giá rẻ, giảm lợi nhuận, thậm chí không có lợi nhuận.

“Hiện tại, đơn hàng của công ty đang dần hồi phục, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 85% năng lực sản xuất và dự kiến năm 2023 tình trạng khó khăn vẫn sẽ tiếp tục”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Tuấn, công ty không chủ trương cắt giảm công nhân trực tiếp sản xuất nhưng cũng không tuyển mới dù có người nghỉ việc. Do đó, lao động của nhà máy còn khoảng 6.500 người, giảm 300 người so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, công ty tinh gọn bộ máy quản lý, văn phòng, cắt giảm khoảng 300 nhân sự, điều chuyển qua bộ phận sản xuất hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam thấy rằng, thông thường tới thời điểm này đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đã được lấp đầy đến giữa năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà máy đơn hàng giảm 20-40%, đơn giá chỉ còn 80% so với trước.

“Dự báo năm 2023 cực kỳ khó khăn. Do đó chúng tôi đến các công ty để xem xét tình hình, trên cơ sở đó đề xuất những chính sách cho doanh nghiệp, người lao động”, ông Thanh nói.

Hiện Bộ Công thương đang đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường nước ngoài, tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xúc tiến thương mại… Ngoài ra các doanh nghiệp cần tăng cường thị trường nội địa để duy trì đơn hàng, việc làm cho lao động khi xuất khẩu gặp khó khăn.

TIN LIÊN QUAN