Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2

(CL&CS)- Nhiều doanh nghiệp dệt may đón tin vui khi nhận được những đơn hàng đến hết quý 2/2021.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 10 ngày đầu tháng 3 ước đạt 830 triệu USD, tăng hơn 230 triệu USD so với tuần trước và tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tính đến 10/3, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đạt 5,59 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dệt may có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp may đã có đơn hàng, chia sẻ về vấn đề này,  đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may, gồm cả các doanh nghiệp của tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đặc biệt, những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

Theo Vitas, đơn hàng dệt may năm 2021 phục hồi sớm với các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Ảnh: Báo Công thương

Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, công ty đã đơn hàng đúng là đã có đến tháng 6, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Myanmar... nên được các nhà mua hàng ưu tiên lựa chọn.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thông tin, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý 2/2021, điều này tiếp tục đảm bảo khối lượng công việc trong thời gian tới. Các đơn vị khác như May Sài Gòn 3 đã ký đơn hàng quần jeans, kaki xuất sang Nhật đến hết quý 2. Hay như Công ty CP Saigon Garmex, Công ty CP May Việt Tiến... cũng có đơn hàng tốt.

Vitas cho biết, năm 2021, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, nhưng số lượng và đơn giá chưa bằng ngưỡng năm 2019, do đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà xuất khẩu cần cố gắng để duy trì hoạt động ở mức ổn định nhất trong trạng thái bình thường mới của thế giới.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu quay trở lại ngưỡng năm 2019 với mốc 39 tỷ USD. Nếu cán đích được mục tiêu này, đồng nghĩa với việc dệt may sẽ về đích sớm hơn so với sự phục hồi của thị trường từ 3 đến 6 quý.

Theo Vitas, hàng dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người, nhưng cũng thuộc nhóm sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Đơn hàng dệt may năm 2021 phục hồi sớm với các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp.

Trước đó, Bộ Công thương cũng dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. 

Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

TIN LIÊN QUAN