Ghi nhận của PV trong thời gian qua tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm, nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống.
Bình ổn một số mặt hàng thị trường
Cụ thể, Trong 7 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, trong đó có 6 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 7 tháng năm nay tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 7 tháng tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng đầu năm 2022 tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hoá
Trước tình hình đó, vừa qua, Bộ Công Thương có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Đối với giá xăng dầu trong nước, theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong những ngày tới thì chắc chắn giá bán lẻ trong nước sẽ giảm mạnh.
Bộ Tài chính đã có nhiều đợt điều chỉnh giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường phục vụ nhu cầu sử dụng nhiên liệu đi lại của nhân dân. Theo dự báo, giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 11.8 có thể giảm nếu cơ quan điều hành không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, giá xăng có thể giảm từ 1.000 - 1.300 đồng mỗi lít.
Đối với lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.
Từ đó nắm rõ tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.