Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 đạt 651.000 tấn, tương đương 736 triệu USD. Sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng 5,4% so với tháng 6, nhưng về giá trị giảm 9,4% do giá trên thị trường thế giới hạ nhiệt. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc với 2,17 triệu tấn, tăng 92%; từ Malaixia với 815 nghìn tấn, giảm 48,5%; từ Singapore với 753 nghìn tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tính đến hết tháng 7/2022 là 5,4 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước với trị giá 5,73 tỷ USD, tăng 120,1%, tương ứng tăng 3,13 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xăng dầu các loại được nhập về thêm 214.121 tấn. Như vậy, Việt Nam đã chi gần 6 tỷ USD để nhập 5,65 triệu tấn xăng dầu các loại tính tới 15/8, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Dầu diesel là mặt hàng được các doanh nghiệp nhập về nhiều nhất, chiếm gần 60% sản lượng xăng dầu các loại, hơn 3,17 triệu tấn tới 15/8.
Hiện mỗi lít RON 95-III ở mức 24.660 đồng, E5 RON 92 là 23.720 đồng.
Mới đây, tại dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do, thời điểm này là thích hợp để xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường. Bộ Công Thương cũng nhất trí xem xét, đánh giá bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá.
Lãnh đạo một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, trong kỳ điều hành ngày 22/8, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có khả năng giảm từ 100-300 đồng/lít. Trong trường hợp cơ quan quản lý chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu có thể sẽ đi ngang.