Nhà ở giá rẻ biến mất khỏi thị trường

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, phân khúc nhà ở giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 đã biến mất khỏi thị trường trong năm 2020. Phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp nhưng do tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng.

Chia sẻ ở một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, “Trong thời gian ngắn, mặt bằng mới giá căn hộ tại TP.HCM đã được thiết lập. Tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất khỏi thị trường trong năm 2020. Phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp nhưng do tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng”.

Ông Hà cũng cho rằng, điều đáng nói, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động phát triển nhà ở thương mại giá rẻ (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D Công ty DKRA xác nhận, thời gian qua phân khúc nhà chung cư trong vùng giá 30-35 triệu đồng mỗi m2 được tìm mua nhiều nhất, cả để ở, cho thuê lẫn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là ngay cả phân khúc nhà giá 30-35 triệu đồng mỗi m2 này hiện cũng không còn xuất hiện trong khu vực nội đô thành phố nữa. Muốn mua được loại nhà này, khách hàng phải chấp nhận di chuyển quãng đường xa hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - VARs cũng cho rằng, nguyên nhân giá nhà leo thang vì khâu chuẩn bị pháp lý đầu tư dự án kéo dài 3-5 năm trở lên, làm phát sinh chi phí tài chính, khiến không thể bán rẻ.

Để cải thiện tình trạng căn hộ giá rẻ đang dần "biến mất" khỏi thị trường, theo ông Đính, trong năm năm tới, cần hành động để kéo nguồn cung nhà ở bình dân trở lại ngưỡng vừa túi tiền với người dân hơn. Điều này phụ thuộc vào việc chính quyền địa phương cần nỗ lực thúc đẩy phê duyệt dự án, tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận diễn biến loại nhà 25 triệu đồng/m2 dần biến mất khỏi thị trường và phân khúc nhà giá rẻ đang bị đôn lên vùng giá 30 triệu đồng/m2 trở lên cho thấy thời gian qua thiếu những chính sách hiệu quả và lâu dài để phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh, phải có chính sách để ổn định về giá. Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng ban hành hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Điều này giúp tránh được tình trạng các địa phương phải chờ quy định của pháp luật, kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn tới tăng chi phí. Từ đó mới góp phần kéo giảm giá nhà, đẩy mạnh nguồn cung, thông qua các cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư. Đặc biệt là chính sách về tín dụng cho phát triển nhà ở, sang năm 2021 sẽ được triển .

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Đơn cử là đề nghị các địa phương khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế và giá bán nhà ở thương mại giá thấp theo phương án giá bán không vượt quá 25 triệu đồng/m2 đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, không quá 20 triệu đồng/m2 đối với các địa phương còn lại. Giá bán đã bao gồm VAT, chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.

Cùng với đó là cơ chế ưu đãi về đất đai. Doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

TIN LIÊN QUAN