Ngày 28/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Kết nối và định hướng phát triển ngành hàng tiêu dùng". Đây là dịp để các doanh nghiệp và nhà quản lý phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành, từ đó tìm ra xu hướng tiêu dùng trong tương lai và tâm lý tiêu dùng khách hàng.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam nhận định, theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững. Các yếu tố quan trọng khi lựa chọn thương hiệu của người tiêu dùng là: Giá thành hợp lý, bảo đảm an toàn và vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, sự bền vững và thân thiện môi trường… 55% người tiêu dùng được NielsenIQ Việt Nam khảo sát ngay trong năm 2023 đánh giá cao yếu tố bền vững trong tiêu dùng. Để minh chứng, bà Hà cho biết, 49% người tiêu dùng mang túi riêng hay sử dụng túi tái chế khi mua sắm, 47% chỉ mua đồ cần thiết và tránh lãng phí. Khi ở nhà 45% có ý thức tiết kiệm điện và 45% phân loại rác tái chế…
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam
Gợi ý tới các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ, bà Đặng Thúy Hà đưa ra các giải pháp mang tính ngắn hạn, trung và dài hạn. Đó là phát triển mô hình bán lẻ mới gắn với trải nghiệm sản phẩm xanh, thành lập câu lạc bộ khách hàng tiêu dùng bền vững, thưởng điểm khi mua sản phẩm bền vững… Hoặc thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì; phát triển nhà máy, trang trại trung hòa carbon như cách mà Vinamilk đang làm nhằm cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027; sử dụng phương tiện vận tải chạy điện, phát triển nông nghiệp tái sinh…
Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Có các biện pháp nghiêm khắc đối với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đồng thời thực hiện các giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản sạch.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đối với đơn vị sản xuất nông sản, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật và xu hướng, nhu cầu khách hàng.
Nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng thị trường: Tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức sản xuất và chuyển đổi tư duy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; đổi mới về khoa học công nghệ chế biến, bảo quản; áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình sản xuất đạt chuẩn.
TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (ngồi ở giữa)
TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ: "Xu hướng "xanh", phát triển bền vững đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, ngày càng có nhiều cam kết chính trị, và ngày càng mang tính thị trường.
Bởi người tiêu dùng chính là chủ thể chính mà thị trường bán lẻ thực phẩm, nông sản, sản phẩm tiêu dùng nhắm đến. Chính vì thế, những đạo luật về cuỗi cung ứng, thuế các bon,… được đưa ra nhiều hơn, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng hơn và phải đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.
Ngoài ra, nhờ những mô hình kinh doanh mới mà chuyển đổi số đem lại, có những khía cạnh doanh nghiệp có thể bắt nhịp được, dù trong trung hạn có thể sẽ tốn kém nhưng về mặt dài hạn, chuyển đổi số mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho thị trường bán lẻ".