Người già Việt Nam trung bình 'gánh' tới 7 bệnh, có khoảng 1 thập kỷ sống chung với bệnh tật

Tuổi thọ của người Việt Nam tăng nhưng điều đáng nói là số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Chia sẻ tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV, diễn ra vào ngày 10 và 11/11/2023, PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết rằng trung bình một người trên 60 tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh, trong khi đó, người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7 bệnh, chủ yếu là về vấn đề hô hấp, chuyển hóa hay sa sút trí tuệ.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại quận 8, TP. HCM. Ảnh: Sở Y tế TP. HCM

Theo ông Trung Anh, mỗi người cao tuổi ở Việt Nam trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp. Điều này lại khác với nhiều quốc gia ở châu Âu hay châu Mỹ khi người trên 80 tuổi ở đó vẫn sống khỏe mạnh, thậm chí những người gần 90 tuổi vẫn có thể đi bộ 3km hay đạp xe 15km mỗi ngày.

Trước đó, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng đã tiến hành nghiên cứu hơn 610 người ngoài 80 tuổi ngụ tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy rằng trung bình một cụ mắc 7 bệnh. Trong đó các bệnh chủ yếu bao gồm: đục thủy tinh thể, hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, giảm thính thực, thiếu máu, nguy cơ trầm cảm, đái tháo đường,...

Trong khi đó, một thống kê khác của Tổng cục Dân số cũng cho thấy tuổi thọ của người Việt Nam tăng nhưng điều đáng nói là số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Cụ thể, nam giới sẽ có trung bình 8 năm sống chung với bệnh tật còn con số này đối với phụ nữ là 11 năm.

Người già kiểm tra đường huyết tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Thêm một gánh nặng khác khiến cho tuổi già của người Việt Nam trở nên khó khăn đó chính là 73% người cao tuổi không có lương hưu và phải sống phụ thuộc vào con cháu. Ngoài ra, 66% người cao tuổi sống ở nông thân và là nông dân nên không có nguồn thu nhập ổn định.

Trước tình hình này, các chuyên gia đề xuất cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều này được cụ thể hóa bằng cách thành lập các khoa lão tại bệnh viện và tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh. 

Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống nhà dưỡng lão và đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi tại nhà, bao gồm cung cấp bữa ăn, tư vấn sức khỏe, cấp dụng cụ hỗ trợ và tổ chức câu lạc bộ vui chơi, giải trí cũng là điều cần thiết.