Đúng như công bố của các nhà mạng, đồng loạt trong ngày 5/8, các nhà mạng nhắn tin với nội dung: Chung tay chống dịch và chia sẻ khó khăn với các khách hàng khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhà mạng tặng 50 phút nội mạng sử dụng trong 30 ngày.
Việc hỗ trợ, ưu đãi chi tiết theo chương trình của mỗi nhà mạng khá tương tự nhau. Vinaphone tặng 50 phút gọi nội mạng cho mỗi thuê bao khách hàng tại 23 tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với các khách hàng trên toàn quốc, VNPT tặng thêm 50% dung lượng data nhưng không đổi giá cước đối với tất cả gói cước khi khách hàng gia hạn hoặc đăng ký mới. Mobifone cũng tặng 50 phút gọi nội mạng cho khách hàng trong khu vực giãn cách đang áp dụng Chỉ thị 16. Viettel tượng tựu áp dụng tặng 50 phút gọi nội mạng cho các khách hàng trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 áp dụng cho thuê bao di động trả trước, trả sau đang hoạt động tại 23 tỉnh.
Ngoài ra là hàng loạt ưu đãi khác như tặng thêm 50% dung lượng data gói cước, gấp đôi lưu lượng băng thông internet cáp quang giá không đổi…
Bên cạnh đó là một số ưu đãi đặc biệt như VNPT miễn phí gói cước Internet tới tiền tuyến chống dịch gồm Khu cách ly và bệnh viện dã chiến; Bác sĩ, nhân viên y tế, Đội ngũ chống dịch… Mobifone giảm giá 50% đối với các gói cước data VX3 và VX7; Còn với Viettel, sẽ thực hiện đóng góp vào quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 theo phương thức trích 5.000 từ mỗi lượt đăng kí gói cước VX3/VX7 thành công; đồng thời miễn phí lưu lượng tốc độ cao truy cập trang tin Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone…
Người dân mong giảm cước thay vì tặng dung lượng như hiện nay của các nhà mạng
Sau khi nhận được tin nhắn khuyến mại của các nhà mạng, nhiều người dân và chủ các doanh nghiệp mong muốn các doanh nghiệp viễn thông giảm cước dịch thay vì các chương trình khuyến mại như trên.
Theo Anh Nguyễn Văn Hùng tại Hà Nội, Anh đang sử dụng gói V120 Viettel cho biết: Gói tôi đang dùng với ưu đãi gọi dưới 20 phút cuộc gọi nội mạng miễn phí, 2GB/ngày mà không dùng hết nên việc tặng thêm này với tôi không nhiều ý nghĩa. Tôi mong miễn phí với gói cước ngoại mạng hoặc trừ vào cước hàng tháng sẽ thiết thực hơn.
Còn theo bà Phạm Thị Liên đang dùng gói C69 được dùng tới 1.500 phút nội mạng và 30 phút ngoại mạng/ tháng, thì việc tặng 50 phút nội mạng không có ý nghĩa lắm vì hàng tháng không gọi hết. "Tôi thấy chỉ có việc tăng dung lượng data thấy có ích vì dịp này phải truy cập mạng nhiều hơn".
Chị Hà Diệu Linh, dùng mạng inetnet FPT (Xuân La, Tây Hồ) cho biết: "So với bản gốc hồi ký hợp đồng, dung lượng hiện nay tăng gấp rưỡi. Nay theo thông báo thì sẽ tăng gấp đôi băng thông theo gói hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế con tôi học lớp 7 thi trực tuyến vẫn bị báo mạng yếu, trang OLM vào thi báo giật phải vào 2-3 lần mới xong bài tập. Nếu chỉ dùng xem tivi và làm việc nền tảng trực tuyến thì tăng băng thông sẽ không cảm nhận được. Trong khi từ tháng 5, FPT đã báo tăng giá cước internet và cước truyền hình, gia đình tôi đã không đồng ý. Nhất là gói cước truyền hình với lý do tăng kênh nhưng thực tế các kênh này gia đình tôi không có nhu cầu. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng nên giảm cước vào hóa đơn như tiền điện.
Còn theo anh Phan Thanh Hùng, Giám đốc một Công ty kinh doanh tại quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết nhìn chung theo anh, gói hỗ trợ viễn thông với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, giá trị gói cũng cao, do đó nếu điều chỉnh, chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ, đáp ứng được mong trúng mong đợi của người dân, doanh nghiệp nhiều hơn. Ví dụ với việc VNPT miễn phí internet cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, thì theo anh trong đại dịch căng thẳng, đến điện thoại các Y, Bác sĩ còn không nghe được thời gian đâu kiểm tra, sử dụng internet, do đó nhà mạng nên xem xét giảm sâu cước điện thoại cho các đối tượng, lực lượng này. Còn các ưu đãi như “miễn phí lưu lượng tốc độ cao truy cập trang tin Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone…” thì rất khó cụ thể, nhà mạng nên cân nhắc miễn phí trên dung lượng dữ liệu chung. Ví dụ như gói bình thường khách hàng dùng 12GB, có thể chỉ tính tiền 8GB.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hội cũng đã thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới các doanh nghiệp để họ nắm bắt và triển khai như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68; gói hỗ trợ viễn thông 10.000 tỷ đồng, chương trình giảm thuế… Riêng với gói hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông, nhiều doanh nghiệp phản hồi chỉ tác dụng một phần với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phản ánh: Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là giao tiếp với khách hàng nhưng dịch bùng phát nên việc giao dịch giảm nên lưu lượng dùng băng thông chủ yếu trong nội bộ không tăng nhiều. Do đó, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm vào giá cước 20-50%, vì như vậy tính vào chi phí của doanh nghiệp.
Có thể thấy, lan tỏa tinh thần tích cực cùng cả nước quyết tâm chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông với sự đồng lòng các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV khi cam kết thực hiện gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, nhiều người dân đã rất ngóng đợi. Nhưng dù vậy thì có lẽ thay vì tặng thêm, mong đợi của dân vẫn là muốn được nhìn thấy “giảm tiền” ngay trên hóa đơn của gia đình, của doanh nghiệp mình.