Ngọn núi cao gần 200m nằm ở nơi hợp lưu giữa 2 con sông, là ‘Linh quy hí thủy’ ẩn chứa câu chuyện ‘bàn chân tiên’

Ngọn núi này được người xưa liệt vào một trong những thắng cảnh của xứ Thanh và đặt tên là "Lương Mã song phàm".

Núi Đọ, còn có tên gọi là núi Tràn, nằm trên địa bàn 3 xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), Thiệu Vân, Thiệu Khánh (TP. Thanh Hóa), có độ cao 158m, nằm trên bờ hữu ngạn sông Chu, nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Mã.

Núi Đọ được người xưa liệt vào một trong những thắng cảnh của xứ Thanh và đặt tên là "Lương Mã song phàm", nghĩa là hai cánh buồm song đôi trên cả dòng sông Chu và sông Mã.

Nhìn từ xa Núi Đọ giống hình một con rùa khổng lồ, màu đen sẫm. Đỉnh cao ở chính giữa là lưng rùa, đỉnh thấp phía nam là đầu rùa, như nhô về phía sông. Sách "Đại Nam nhất thống chí" đã ví Núi Đọ là "Linh quy hí thủy", nghĩa là con rùa đang vờn nước sông Chu, sông Mã.

Năm 1960, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được nơi đây là một công xưởng lớn sản xuất công cụ bằng đá của người nguyên thủy. Hiện giờ, nơi đây vẫn còn nhiều chứng tích do bàn tay con người nguyên thủy ghè, đẽo thành công cụ thô sơ gọi là mãnh tước. 

Chúng có hình dạng to, nhỏ khác nhau. Những mảnh lớn, chiều dài có thể tới 17cm, rộng 14cm, dày 6,2cm; những mãnh nhỏ chiều dài khoảng 5cm, rộng 4cm, dày 1cm. 

Đặc biệt, dưới chân núi Đọ có một tảng đá lớn, trên tảng đá là hình một "bàn chân người khổng lồ", người dân quanh vùng vẫn gọi đó là "bàn chân tiên".

Theo nhiều vị cao niên, khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy dấu chân này trên tảng đá. Người xưa đồn đoán về "dấu chân của người khổng lồ" từ xa xưa đến bạt núi, san đồi cho làng xóm mọc lên, mà dân gian hay gọi ông Vồm. Nhiều năm qua, câu chuyện về "vết chân tiên" được truyền tụng khiến nhiều người đã kéo về đây để được tận mắt chiêm ngưỡng.

Tảng đá dưới chân núi Đọ có in hình "bàn chân khổng lồ

Trên tảng đá thấy vết lõm in hình 5 ngón chân, khoảng cách giữa các ngón khá lớn. Đặc biệt ngón chân cái rất to và nằm quay ngang, chĩa hẳn ra ngoài. Gót chân cũng to hơn nhiều lần nếu so với bàn chân người bình thường. 

Vết chân tiên này gắn với rất nhiều câu chuyện kỳ bí

Bên cạnh "vết chân tiên", người dân phát hiện một viên đá dựng, đào lên xuất hiện một số chum sành, mỗi chum đều được đậy nắp, nhưng không có gì. Còn tại phía đông nam của núi Đọ, người dân còn phát hiện khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán - Đường,...

Có thể nói, núi Đọ với "vết chân tiên" từ lâu đã trở thành câu chuyện nhuốm màu cổ tích, "thực thực, hư hư", truyền từ đời này sang đời khác.  Nhiều năm qua, có các đoàn chuyên gia, Viện khảo cổ, khách du lịch, nguyên lãnh đạo Trung ương,... cũng về để thăm núi Đọ - nơi ghi dấu tích của người Việt Cổ và nơi có bàn chân tiên.

TIN LIÊN QUAN