Quốc gia ở khu vực Nam Caucasus nổi tiếng với những ngôi làng mà nhiều người dân sống đến tuổi 100 như Lankaran, Nagorno-Karabakh và Lerik.
Trong số đó, ngôi làng vùng núi cao Lerik với dãy núi Talysh hùng vĩ là nơi tập trung nhiều cư dân sống thọ hơn 100 tuổi nhất. Để đến Lerik, bạn phải đi qua con đường ngoằn ngoèo, trải qua những vòng cua đỉnh đồi. Những cư dân sinh sống ở đây dường như đã khám phá ra bí mật để có một cuộc sống thọ và khỏe mạnh.
"Sự bình yên trong tâm hồn là một phần của “liều thuốc sống thọ”. Người dân ở đây tránh xa những căng thẳng, họ trân trọng từng ngày sống, không có nhiều kế hoạch hay lo lắng cho tương lai", hướng dẫn viên địa phương chia sẻ.
Lerik còn nổi tiếng với bảo tàng Trường thọ duy nhất trên thế giới.
Ngôi làng có nhiều cư dân sống thọ trên 100 tuổi
Năm 1991, dân số của Lerik là 63.000 người, với hơn 200 người sống đến tuổi trên 100. Tuy nhiên, sau thời kỳ đó, số lượng người sống đến tuổi thọ đã giảm dần. Hiện nay, dân số của Lerik là 83.800 người, trong đó chỉ có 11 người sống đến tuổi trên 100.
Nhiều người trong làng ưa thích giấc ngủ trên mặt đất, sử dụng một tấm chăn mỏng thay vì đệm, cho rằng đây là phương pháp nghỉ ngơi tốt nhất cho lưng. Những người sống đến tuổi trăm thường ưa thích thực phẩm từ thịt và đam mê sử dụng các sản phẩm từ sữa như phô mai tươi, bơ, và sữa chua uống.
Ngoài việc sử dụng nguồn thực phẩm tươi từ các nông trại, người già thường xuyên uống nước suối lạnh hàng ngày. Nước suối ở đây giàu khoáng chất, giúp kéo dài tuổi thọ. Ngôi làng yên bình và luôn yên tĩnh. Mọi người làm việc chăm chỉ từ lúc bình minh đến lúc hoàng hôn, họ làm việc trong vườn, trên các thửa ruộng hoặc xung quanh nhà. Phụ nữ thường may vá, đan lát và chăm sóc nhà cửa.
"Bí quyết sống lâu của chúng tôi là chúng tôi có nguồn dinh dưỡng tốt. Chúng tôi thường thêm các loại thảo mộc vào trà để ngăn ngừa bệnh tật. Nước dùng để pha trà là nước suối giàu khoáng chất. Hầu hết mọi người ở đây không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà chỉ sử dụng thảo dược", một cư dân địa phương chia sẻ.
Một trong những người nổi tiếng về sự sống lâu tại đây là Shirali Muslymov, một người chăn cừu. Trong giấy tờ ố vàng của Muslymov lưu trữ tại bảo tàng Trường thọ, năm sinh của ông được ghi là 1805, trên bia mộ của Muslymov, năm mất được ghi là 1973, tức là ông sống đến 168 tuổi. Nếu thông tin này chính xác, Lerik là nơi có người sống thọ nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra của CNN, vào đầu thế kỷ XIX, việc đăng ký khai sinh không phổ biến, đặc biệt là tại những ngôi làng xa xôi như Lerik. Do đó, nhiều người tin rằng việc Muslymov sống đến năm 168 tuổi có thể không chính xác, và sai số có thể lớn vài chục năm. Dù vậy, người chăn cừu này vẫn đã sống một cuộc đời ấn tượng. Và khi du khách đến thăm Lerik, họ vẫn thích thú khi nghe kể về các câu chuyện liên quan đến Shirali Muslymov.
Con gái của Muslymov là bà Halima Qambarova, bà nói bà không kỳ vọng sống lâu như cha mình, nhưng hy vọng có thể sống qua tuổi trăm như ông nội và dì ruột. Khi có người đến thăm, bà Qambarova thường cho họ xem cuốn hộ chiếu ghi năm sinh. Tuy nhiên, khi được hỏi về tuổi, bà luôn hóm hỉnh tự nhận mình mới 15 tuổi.
Bảo tàng Trường thọ duy nhất trên thế giới.
Ngoài việc có nhiều người sống thọ, khu vực này còn thu hút du khách với bảo tàng Trường thọ duy nhất trên thế giới. Bảo tàng này bao gồm hai phòng được xây dựng vào năm 1991. Năm 2010, bảo tàng được tu sửa để trở thành nơi lưu giữ hơn 2.000 hiện vật, ghi chép về cuộc sống hiện tại và quá khứ của những cư dân sống thọ nhất trong khu vực.
Ngoài thông tin về tuổi thọ của mỗi người, bảo tàng còn trưng bày đồ dùng hàng ngày mà họ sử dụng, như bàn là, rương chứa khăn trùm đầu, áo sơ mi, cùng nhiều vật dụng khác. Du khách cũng có cơ hội ngắm nhìn những chiếc bình, bát bạc, tất dệt kim với hoa văn tinh tế.
Một điểm đặc biệt thu hút du khách nhất tại Bảo tàng là khu vực treo chân dung của những người sống đến 100 tuổi. Những bức ảnh này được chụp từ những năm 1930, do nhiếp ảnh gia người Pháp Frederic Lachop gửi tặng.
Ngày nay, ngôi làng Lerik giống như nhiều thị trấn khác ở Azerbaijan, với quảng trường rộng lớn và những khu vườn nhỏ được chăm sóc kỹ lưỡng. Khoảng cách từ Lerik đến biên giới với Iran là 16km và đến biển Caspi là 64km.
Theo CNN.