Tối 12/2 (theo giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) với 401 phiếu thuận (tỷ lệ 63,33%), 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
Tại cuộc họp báo về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định EVFTA được dự báo sẽ là một cú hích lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội sẽ có nhiều thách thức.
Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về tác động của EVFTA.
Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA của Nghị viện châu Âu. |
Doanh nghiệp Việt cần liên kết
Theo ông, hàng Việt sẽ được hưởng những lợi ích gì từ hiệp định này?
- Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA là xác nhận sự tiến bộ của Việt Nam, tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt xâm nhập thị trường châu Âu. Như tính toán, hiệp định này sẽ giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam lên 20% và có thể cao hơn nữa.
Xuất khẩu tăng sẽ tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Với Việt Nam, đây còn là cơ hội thúc đẩy cải cách bởi vì hiệp định này đưa ra các quy định rất chặt chẽ về lao động, công khai minh bạch, chống tham nhũng và cạnh tranh bình đằng.
Cũng cần phải chú ý Nghị viện châu Âu đã tước bỏ những ưu đãi dành cho Campuchia. Điều ấy cho thấy việc thông qua này là điều không hề dễ dàng, chúng ta cần phải nỗ lực nghiêm túc để thực hiện các điều chúng ta có cam kết. Nếu không họ sẽ tiếp tục xem xét, yêu cầu chúng ta có các diễn biến mà chúng ta cần làm cho rõ ràng hơn.
Hiệp định này là bài học kinh nghiệm với Việt Nam trong tương lai khi đàm phán, ký kết các hiệp định khác với nhiều quốc gia như nước Anh. Anh quốc đang rời khỏi EU nên rất cần thiết thực hiện các hiệp định khác.
Những lĩnh vực cụ thể nào mà doanh nghiệp Việt được hưởng khi EVFTA được thông qua thưa ông?
- EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng thủy sản. Đây là các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, theo hiệp định này, thuế sẽ giảm 0-5% đối với 99% hàng hóa của Việt Nam, kể cả gạo. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải có nhiều nỗ lực hơn nữa vì để xuất khẩu được vào châu Âu, các yêu cầu dành cho hàng hóa là rất khắt khe.
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt cần làm gì để đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA thưa ông?
- Thực chất, với doanh nghiệp quá nhỏ, EVFTA không mang lại lợi ích gì vì họ không có khả năng tiếp cận thị trường rất khó tính này. Thị trường châu Âu có yêu cầu về rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chí sở hữu, kiểu dáng...
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Vì vậy, cần thúc đẩy các doanh nghiệp này liên kết với nhau tạo ra doanh nghiệp đủ lớn để có trình độ, công nghệ và quản lý để có thể tiếp cận thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp trước hết phải nghiên cứu thật kỹ các nội dung của hiệp định này, từ đó xác định xem nên sản xuất cái gì có thể xuất khẩu được sang thị trường châu Âu. Nếu quyết tâm làm thì phải liên kết với nhau.
Tôi nhận thấy, có nhiều doanh nghiệp không lo lắng, không quan tâm cho nên không chịu nghiên cứu học hành, chỉ muốn mọi việc có người chỉ tay, chỉ việc. Điều đó không dễ dàng. Điều chúng ta cần là lãnh đạo doanh nghiệp phải nghiên cứu tổ chức sản xuất. Nhiều doanh nghiệp miền Nam rất năng động. Tôi đánh giá rất cao ông Cao Siêu Lực. Khi xuất khẩu khó khăn vì dịch COVID 19, ông sản xuất ngay bánh mì thanh long. Đây là bài học lớn.
Dệt may là ngành được hưởng lợi lớn từ EVFTA. |
Giảm phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc
Theo ông cơ quan chức năng nên làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất có thể cơ hội mà EVFTA mang lại?
- Cơ quan chức năng hy vọng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng hiệp định này. Chúng ta đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác khác nhau nhưng số lượng thị trường mà các doanh nghiệp tiếp cận được tương đối hạn chế.
Lý do là doanh nghiệp quy mô còn quá nhỏ. Doanh nghiệp chủ yếu lo lắng các công việc nội bộ như đi thăm hỏi, biếu quà Tết. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài lại không hề làm những điều đó.
Theo ông, doanh nghiệp Việt đã tận dụng được lợi thế từ hiệp định nào nhiều nhất? Và EVFTA có bù đắp phần nào được tổn thất mà dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra không?
- Theo tôi, cho đến bây giờ, chúng ta tận dụng tương đối tốt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Xuất khẩu của chúng ta đến các thị trường trong CPTTP như Nhật Bản, Mexico... đều tăng đáng kể.
Còn COVID 19 là câu chuyện tác động đến nền kinh tế ở nhiều mặt. Rất nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu, phụ tùng từ Trung Quốc, trong đó, dệt may phụ thuộc tới 60% nguyên liệu. Trung Quốc hạn chế đi lại khiến doanh nghiệp gặp khó.
Vì vậy, chúng ta phải tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tự khơi dậy các nguồn sản xuất của chúng ta để đáp ứng được yêu cầu mà các hiệp định đặt ra. Cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt chi phí ngoài pháp luật, thủ tục phiền hà.
BẢO LINH