Tại Diễn đàn đối thoại Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức sáng 7/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã khẳng định điều này khi chia sẻ về những nỗ lực cải cách, hiện đại tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là kinh tế - xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.
Theo đó, xác định công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn nhân lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan. Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan.
Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến); triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan; tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ; phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN; rà soát triển khai các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm.
Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chia sẻ về mục tiêu của ngành Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, Tổng cục Hải quan thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp để đo thời gian giải phóng hàng, tính toán thời gian làm thủ tục thông quan để đưa ra những giải pháp tiếp theo.