"Ngấm đòn" Covid-19, doanh nghiệp dệt may kinh doanh kém khả quan

(CL&CS) - Một số doanh nghiệp dệt may đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chi phí tăng cao và đơn hàng bị giảm...

VITAS cho biết, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp dệt may trải qua nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam.

Doanh nghiệp dệt may báo lỗ

Lần đầu báo lỗ là tình trạng của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM). Trong quý 3/2021, doanh thu thuần đạt 783 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, lãi gộp đạt gần 76 tỷ đồng, giảm 57% so cùng kỳ năm trước (YoY). Biên lãi gộp thu hẹp, giảm từ gần 15% xuống chỉ còn 10%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt 17 tỷ đồng, tăng 63% YoY. Tuy nhiên, các chi phí lại đồng loạt tăng cao trong đó chi phí tài chính tăng 7% YoY, chi phí bán hàng tăng 24% YoY và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15% YoY. Kết quả, TCM lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh, TCM cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quý 3, công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/7/2021 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ tăng cao.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.707 tỷ đồng tương đương YoY, lãi ròng đạt 118 tỷ đồng giảm 41% YoY.

Đơn hàng giảm do ảnh hưởng của dịch là nguyên nhân chính cho quý 3 thua lỗ của CTCP Garmex Sài Gòn. Trong quý 3, doanh thu thuần đạt 204 tỷ đồng, giảm 54% YoY. Giá vốn hàng bán chiếm tới gần 92% khiến lãi gộp chỉ còn gần 17 tỷ đồng, giảm 50% YoY.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Garmex Sài Gòn báo lỗ 6,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng lỗ hơn 4,5 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn cho biết, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, đơn hàng nhận được từ khách hàng giảm. Đồng thời trong quý 3, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 16 nên tình hình sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn khiến doanh thu sản xuất và doanh thu bán hàng giảm.

Khép lại 9 tháng đầu năm 2021, Garmex Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần giảm 28% YoY, xuống còn 799 tỷ đồng và lãi ròng giảm 24% YoY, ghi nhận 8,6 tỷ đồng.

Trong quý 3/2021, doanh nghiệp dệt may các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song CTCP Đầu tư và Thương mại TNG có lợi thế nhờ địa bàn sản xuất chính ở Thái Nguyên - địa phương ít chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covidd-19 lần thứ 4, điều này giúp công ty có điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định.

Trong quý 3, doanh thu thuần của TNG đạt gần 1.710 tỷ đồng, tăng 1,1% YoY trong khi giá vốn hàng bán hầu như không tăng khiến lợi nhuận gộp đạt hơn 240 tỷ đồng, tăng 9% YoY. Sau khi trừ chi phí, TNG đạt 85,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% YoY.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 16% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt gần 169 tỷ đồng, tăng 31% YoY.

Một năm nhiều khó khăn với dệt may

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp dệt may trải qua nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt thách thức như phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm, phải giao hàng bằng máy bay hoặc bị hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp ở phía Nam tổ chức sản xuất "3 tại chỗ," "1 cung đường - 2 điểm đến" hoặc phương án sản xuất "4 xanh" nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động đi làm, chi phí phát sinh lớn. 

Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Những điều này thể hiện rõ qua con số xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% YoY; xuất khẩu tháng 9 đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% YoY.

VITAS dự báo 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Trong rất nhiều nguy cơ thì nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay. Cả hai vấn đề này đều không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được.

VITAS cũng đưa ra 3 kịch bản về đích cho năm 2021 của ngành.

Thứ nhất cũng là kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10/2021, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD.

Thứ hai, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD. 

Kịch bản kém tích cực nhất, tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD. Những kịch bản dự báo cho thấy, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu như năm 2019 sẽ rất khó khăn.

Với những dự báo bao trùm gam màu xám, để các doanh nghiệp dệt may có thể vượt qua khó khăn, VITAS cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch, phương án sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và chủ trương "sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế" của Chính phủ.

Tìm mọi cách không để cho chuỗi cung ứng ngành dệt may bị đứt gãy. Bố trí sản xuất theo các phương án "3 tại chỗ" "1 cung đường - 2 điểm đến", "4 xanh" ở những nơi có thể bố trí được, doanh nghiệp hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở…

Các doanh nghiệp làm việc với khách hàng để tranh thủ sự chia sẻ trong lúc khó khăn, chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác. Quan tâm đến người lao động đang còn làm việc tại doanh nghiệp, cũng như những người nghỉ không lương, ngừng chờ việc để họ gắn bó với doanh nghiệp, sẵn sàng đi làm khi hết dịch. Tập trung rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những người là đối tượng được hưởng trợ cấp nhà nước.

TIN LIÊN QUAN