Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng tư vấn du lịch TAB về tác động của đại dịch COVID-19 và khả năng chống chịu của doanh nghiệp với hơn 400 doanh nghiệp ngành du lịch, phần lớn các doanh nghiệp chưa dự báo được thời điểm phục hồi.
20% số doanh nghiệp cho biết sẽ phải thay đổi ngành nghề kinh doanh, thay đổi lĩnh vực hoạt động. 56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu của năm qua chưa bằng một phần tư của năm 2019.
Gần 80% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng sau Covid-19 sẽ có thay đổi về số lượng nhân viên, thay đổi về thị trường khách hàng và thay đổi về dịch vụ, sản phẩm.
Chịu tác động nặng nhất là các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ, của ngành Lữ hành quốc tế, Lữ hành nội địa và Vận chuyển du lịch. 61% cơ sở lưu trú, 60% doanh nghiệp Lữ hành quốc tế 58 % cơ sở bán hàng lưu niệm cho biết đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề.
Từ khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp chống dịch và duy trì hoạt động như thay đổi thị trường khách hàng, liên kết kinh doanh, quảng bá, khuyến mại, chuyển đổi số…
Nhưng có tới 34-35% nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tạm đóng cửa.
“Doanh nghiệp vẫn chưa dám nói nhiều về thời điểm phục hồi”,ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký TAB cho biết.
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần gì, hỗ trợ gì, hơn 80% các doanh nghiệp cho biết bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp như giãn, giảm thuế, miễn hoặc hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn phí thì doanh nghiệp mong giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết.
Gần 85% doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống lại chờ đợi được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất thấp. Các doanh nghiệp lữ hành muốn giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành.
91% các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ têm chủng Covid-19 cho người lao động sớm nhất và cho chủ doanh nghiệp thể tiếp cận các chương trình vắc-xin thương mại nhập để tiêm cho nhân viên.
Gần 90% các doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ các biện pháp phục hồi du lịch đặc biệt là phục hồi du lịch quốc tế, hỗ trợ quản lý khủng hoảng du lịch trong đại dịch Covid-19 và đề nghị xây dựng bản đồ số điểm đến du lịch an toàn.
“Ngành du lịch đang mong chơ sự hỗ trợ của Chính phủ để hồi phục và phát triển du lịch nội địa và chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế đến Việt Nam”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.
Mùa du lịch 2021 đã đến, các đối thủ cạnh tranh trong khu vực cũng lên kế hoạch tái mở cửa biên giới đón du khách quốc tế. “Nếu chậm chân, chúng ta sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường du lịch”, ông Chính nói và nhấn mạnh lại mở cửa phải an toàn.
Vì thế, bên cạnh các nỗ lực để phục hồi du lịch nội địa, ngành du lịch cũng đang mong chờ Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan cùng bàn, nghiên cứu để đưa ra những giải pháp biện pháp mở cửa an toàn cho du lịch quốc tế.
“TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về kiểm soát đại dịch Covid-19. TAB đã đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam cũng tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững”, ông Chính phát biểu.
Việc đi lại quốc tế cũng là sự cần thiết cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, và các dự án khác cần nguồn nhân lực nước ngoài.
Nhưng “Chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm khách nước ngoài không mang mầm bệnh tới và không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài hoặc nếu rủi ro thì sẽ được chi trả bảo hiểm”, ông Chính nói.
Nguyện vọng của các doanh nghiệp là Chính phủ sớm chủ trì để các bộ ngành liên quan như Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư cùng bàn để đưa ra biện pháp mở cửa an toàn với sự tham gia của cả các chuyên gia.
TAB đề xuất lộ trình mở cửa an toàn. Trước hết là đàm phán song phương với từng nước mà đã đạt các tiêu chí về an toàn dịch bệnh.
Tiếp đó, đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như: vắc-xin visa, xét nghiệm PCR Covid trước chuyến bay và kiểm tra khi đến. Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc , bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đi nước ngoài.
Ngành du lịch cần xây dựng quy chế phục vụ khách du lịch an toàn dịch bệnh. Chính quyền các địa phương và các điểm du lịch cần phải xây dựng kịch bản và kế hoạch hành động khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Nhìn vào kịch bản và kế hoạch này du khách sẽ yên tâm hơn và đây chính là sự quảng bá du lịch hiệu quả nhất lúc này.
Hơn một nửa các doanh nghiệp hy vọng hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào năm 2022. 41% số doanh nghiệp dự đoán nửa sau năm 2022 mới kinh doanh trở lại bình thường.
Trước đại dịch Covid, ngành du lịch đóng góp khoảng 9,2% GDP tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động trực tiếp, tạo doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm.