Nếu bỏ áp trần vé máy bay thì người dân “hết cửa” đi vé máy bay giá rẻ?

(CL&CS) - Tranh cãi về đề xuất bỏ trần vé máy bay những ngày qua khá nóng, phía các doanh nghiệp (DN) hàng không và cả phía Cục Hàng không đều cho rằng, đã đến lúc phải bỏ quy định này, để ‘cởi trói’ cho DN và cũng phù hợp xu thế thế giới. Nhưng, theo các chuyên gia kinh tế thì giá trần vé máy bay vẫn rất cần thiết vì hàng không tại Việt Nam là ngành kinh doanh có điều kiện, và việc có giá trần là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách…

Liên quan đến kiến nghị bỏ trần vé máy bay thời gian qua, Cục Hàng không lý giải với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao. Đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.

“Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không”, đại diện Cục Hàng không lý giải.

Quy luật thị trường hay “cơ hội” để DN hàng không tăng giá?

Thực tế, đề xuất bỏ giá trần vé máy bay không phải là mới, thời điểm tháng 6/2016, Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines đã từng đề xuất việc bỏ giá trần vé máy bay. Theo giải thích của Cục Hàng không thời điểm đó, việc bỏ trần vé máy bay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo đảm tính cạnh tranh và quyền lợi của người sử dụng.

Nếu bỏ áp trần vé máy bay thì người dân “hết cửa” đi vé máy bay giá rẻ?

Liên tiếp những năm sau đó, tại các diễn đàn ngành du lịch, phía Cục Hàng không lẫn Vietnam Airlines đều bày tỏ quan điểm này, nhưng đều bị phản đối. Còn nhớ, tại diễn đàn cao cấp du lịch lần thứ 2 (diễn ra hồi cuối năm 2019), phía Vietnam Airlines lại tiếp tục đề xuất ý kiến này.

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), khẳng định: Muốn người dân còn cơ hội đi máy bay giá rẻ thì phải áp giá trần. Nguyên nhân được chuyên gia này chỉ ra là thời gian qua dù thị trường Hàng không có phát triển “nóng” nhưng về cơ bản 2 ông lớn (Vietnam Airlines và VietJet Air) vẫn nắm quyền chi phối. Giá vé tuy đã có xu hướng giảm nhưng không loại trừ một số thời điểm các hãng sẽ vì lợi nhuận mà đẩy giá vé tăng cao.

“Khi chưa có cạnh tranh thật sự, giá trần vẫn là công cụ cần thiết để kiểm soát độc quyền, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, về lý thuyết, có thêm nhiều hãng hàng không, thêm cạnh tranh thì giá vé sẽ giảm. Không lẽ muốn bỏ giá trần để cạnh tranh tăng giá vé?”, TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện quan điểm này vẫn được bảo lưu, dù thị trường hiện có thêm một hãng hàng không đang phát triển khá nhanh là Bamboo Airways. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh, không thể căn cứ vào số lượng hãng hàng không mà căn cứ vào tính chất của thị trường hàng không. Hiện nay thị trường hàng không có 6 hãng nội địa, song Vasco và Pacific Airlines đều là thành viên của Vietnam Airlines, Vietravel chiếm thị phần quá nhỏ, 3 hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện chiếm tới 80%-90% thị phần.
"Riêng đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, 2 hãng Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm quá nửa thị phần. Cục Hàng không cho rằng đường bay có trên 3 hãng là cạnh tranh và không cần giá trần là không hợp với quy định của luật pháp. Nói thẳng, đề xuất của Cục Hàng không, theo tôi là vi phạm vào Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh", PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam chưa phải đúng nghĩa kinh tế thị trường bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.

"Nếu có áp giá trần vé máy bay, có thể vẫn áp dụng cho Vietnam Airlines, bởi những hãng này vừa kinh doanh có lợi nhuận vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Trong khi đó, những hãng tư nhân như Vietjet, Bamboo…, có thể bỏ giá trần vé máy bay để họ đầu tư vào sản phẩm, chất lượng và bán vé với đúng giá trị sản phẩm cung cấp cho hành khách. Nếu các hãng tư nhân có ý định "làm giá, đẩy giá", hành khách sẽ tẩy chay, bởi bây giờ người tiêu dùng không phải là dễ dắt mũi ", TS Đinh Thế Hiển phân tích.

Nếu áp trần, người dân “hết cửa” đi máy bay giá rẻ

Trên thực tế, lý do chính khiến các hãng hàng không “quyết liệt” theo đuổi đề xuất bỏ trần vé là để được rộng cửa mở các dải giá, thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn, đặc biệt những giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, hiện nay giá vé máy bay gần như lúc nào cũng đã ở mức cao, giai đoạn nào các hãng cũng có cớ để… không giảm giá. Đặc biệt, vé các chặng “hot” như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM – Phú Quốc... luôn ở mức kịch trần.

Còn nhớ, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nhiều chặng bay nội địa Việt Nam ghi nhận giá vé chạm trần. Mỗi vé khứ hồi có giá lên đến hơn 8 triệu đồng đã bao gồm thuế phí.

Đến dịp lễ 30/4 -1/5 vừa qua, khi dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, giá vé máy bay cũng tăng mạnh trở lại, trong đó, chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo ghi nhận giá vẻ hạng phổ thông cao kỷ lục, ở mức 8,4 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí – đây cũng là mức trần giá vé với hạng ghế này.

Có thể thấy, lo ngại của các chuyên gia, người dân không phải là không có cơ sở khi nếu đề xuất này được đồng ý thông qua, khả năng mỗi vé khứ hồi có giá lên đến hơn 10 triệu đồng cho mỗi dịp cao điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân “hết cửa” đi máy bay giá rẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho hay, khi dịch bệnh chưa tới, các hãng hàng không vẫn đua nhau báo lãi, kể cả các hãng định hình là hàng không giá rẻ, chứng tỏ trần giá vé chưa phải điểm nghẽn quá lớn.

“Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường, bỏ trần giá, để thị trường quyết định là đúng. Tuy nhiên hiện DN chiếm lĩnh thị trường là VNA vẫn chịu sự chi phối của nhà nước, mang tính dịch vụ công nên chưa hoàn toàn là nền kinh tế thị trường. Về lý thuyết, các dịch vụ công thường được hưởng nhiều ưu đãi, lợi thế về hạ tầng cơ sở, chính sách... nên giá sẽ thấp hơn dịch vụ do tư nhân phải bỏ tiền đầu tư. Trong lĩnh vực hàng không lại ngược lại, DN Nhà nước lại có giá dịch vụ cao hơn. Nếu bây giờ xóa bỏ giá trần, tạo thêm cơ hội cho tăng giá vé tự do nữa thì sẽ bất hợp lý”, ông Hiển đúc kết.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM thì lãi ủng hộ bỏ trần vé máy bay. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, không nên đột ngột bỏ trần giá vé máy bay mà cần phải có lộ trình cụ thể. Trước mắt, cơ quan quản lý có thể nâng giá trần lên mức vừa phải. Điều này không khiến các hãng đẩy giá vé lên mức mới này ngay mà để thử nghiệm, cũng như thăm dò phản ứng các hãng hàng không.

Khách hủy vé, bỏ chuyến được hoàn từ 100 - 120 ngàn đồng?

Hiện tại, các DN hàng không đang thu hộ DN quản lý khai thác 2 khoản phí, gồm: Phí an ninh và phí sân bay quốc nội, tổng 2 khoản phí này từ 100 đến 120 ngàn đồng/khách (tùy từng sân bay).

Từ trước tới nay, các hãng thu hộ 2 khoản phí này, DN quản lý khai thác sân bay chỉ nhận được khi khách sử dụng (được tính khi qua cửa kiểm tra an ninh) nhưng khi khách hủy vé, hoặc bỏ chuyến, các hãng cũng không trả lại cho khách. Theo các hãng hàng không lý giải, việc không trả lại do khách… không yêu cầu (!?).

Trước thực tế trên, Cục Hàng không đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không phải hoàn trả tiền phí an ninh và phí sân bay quốc nội cho hành khách hủy vé, bỏ chuyến.

TIN LIÊN QUAN