Sự chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế là một trong những yếu tố tác động đến năng suất lao động xã hội
Năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,42%. Số lao động đang làm việc đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng số lao động đang làm việc so với cùng kỳ năm trước đạt 0,19%. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động (bằng tốc độ tăng GDP theo giá so sánh chia cho tốc độ tăng số lao động đang làm việc) so với cùng kỳ năm trước là trên 6,2% - là tốc độ tăng khá cao.
Năng suất lao động thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, vượt mục tiêu đề ra
Mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 là tăng 4,8-5,3%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của năm 2022 (4,75%), năm 2023 (3,65%). Kỳ vọng tốc độ tăng năng suất lao động căn cứ vào các yếu tố tác động - bao gồm tăng trưởng GDP và số lao động đang làm việc.
Từ kết quả của 6 tháng đầu năm và các yếu tố tác động, có nhiều dự báo về tốc độ tăng năng suất lao động cả năm và so với mục tiêu đề ra.
Trước hết là tốc độ tăng GDP (theo giá so sánh) trong 6 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước; có xu hướng cao lên qua các quý; tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó tăng cao hơn ở nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí), nhóm ngành dịch vụ.
Kết quả 6 tháng cho thấy, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt cận trên của mục tiêu (6,5%), thậm chí có thể cán mốc 7%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến kịch bản cao (tăng trưởng 7%).
Không chỉ tốc độ tăng trưởng GDP cao lên, mà sự chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng là một trong những yếu tố tác động đến năng suất lao động xã hội. Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp - xã hội cao hơn nhiều so với nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và cao hơn của nhóm ngành dịch vụ.
Trong khi đó, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ cao gấp đôi tốc độ tăng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản. Tỷ trọng lao động theo mục tiêu năm 2024 của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản là 26,5%, thấp hơn tỷ trọng tương ứng của các năm trước. Tỷ trọng tương ứng của các nhóm ngành còn lại là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ cao lên.
Yếu tố cơ bản nhất của tốc độ tăng năng suất lao động là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Mục tiêu năm 2024, tỷ lệ này là 28-28,5%, cao hơn các con số tương ứng của các năm trước.
Năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững
Ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về Tăng năng suất lao động đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường và nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7-7,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7-7,5%/năm.
Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023-2030. Phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35-40% vào năm 2030 và tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.
Đồng thời, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững và có lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động kinh tế, lĩnh vực mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy liên kết, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Kế hoạch sẽ thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động trong một số lĩnh vực, địa phương, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Cùng đó, triển khai các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động. Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp. Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng hơn. Tiếp đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng và coi người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Gắn kết chặt chẽ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Con đường duy nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động
Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới "3 đẩy mạnh" bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.
"3 tiên phong" theo Thủ tướng bao gồm: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.
"3 bứt phá" bao gồm: Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen… Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
Tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy tốc độ tăng khá, mức năng suất lao động tăng, nhưng mức năng suất lao động thực tế của Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam tuy tăng, nhưng vẫn thấp; ở khu vực nông thôn, ở một số vùng còn thấp.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành còn chậm. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản vẫn lớn theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động đang làm việc phi chính thức tuy giảm trong mấy năm nay, nhưng vẫn chiếm trên dưới 2/3 tổng số. Chất lượng đào tạo cũng còn những hạn chế, bất cập về một số mặt, như đào tạo giữa lý thuyết và thực tế, giữa các ngành nghề, giữa đào tạo và sử dụng…
Theo Nghị định 73 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024 lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng một tháng, cùng với đó theo Nghị định 74, lương tối thiểu tháng theo vùng của doanh nghiệp tăng 6%, tùy theo khu vực thì mức tăng lương đối với người lao động dao động từ 200.000 – 280.000 đồng. Cụ thể, vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Cùng với đó, lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP nhận định, thực tế hiện nay các đơn vị trong hệ thống May Hưng Yên đều đang chi trả lương trên mức lương tối thiểu tháng theo vùng. Việc tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí tiền lương đóng bảo hiểm, phí công đoàn,… với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại công ty Mẹ, chúng tôi ước tính chi phí này sẽ tăng khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, tức là khoảng 2 triệu đồng/người lao động/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, May Hưng Yên đã phải tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng của năm 2023. Có nghĩa là chúng tôi đã phải tăng thu nhập cho người lao động để giữ chân, ổn định sản xuất. Với doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành May, các chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm tăng, trong khi đơn hàng giảm đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không thể tăng lợi nhuận khi thị trường liên tục biến động.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên nhận định, để “giải” được bài toán về tối ưu hóa lợi nhuận trong khi doanh thu không thể tăng, thì con đường duy nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian và ký kết hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng. Với các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, về nhân lực, thì có thể tăng năng suất lao động thông qua kỹ thuật, nếu thực hiện tốt có thể tăng được 5 – 7% năng suất.
Ngoài ra, còn có thể tăng năng suất thông qua công nghệ như đầu tư thêm các máy móc tự động như máy trần, máy vắt sổ… ví dụ như số tua vòng quay của máy hiện đã có thể tăng lên 3.000 vòng/phút so với 1.000 – 2.000 vòng/phút trước đây, hay máy vắt sổ hiện đã có thể lên được 9.000 vòng/phút. Ngoài ra, đổi mới về mặt quản lý áp dụng công nghệ số cũng có thể giảm lao động gián tiếp, lao động tại kho, giảm được thời gian phân phối khâu đầu cuối. Theo đó, khi đã có đủ tiềm lực về công nghệ, có phần mềm quản trị tốt, thì các DN ngành May có thể ký kết đơn hàng trực tiếp với đối tác Mỹ, Châu Âu… thay vì thông qua bên trung gian Hồng Kông, Hàn Quốc Đài Loan như trước đây, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.