Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu và động lực then chốt để phát triển đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định việc phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, là nhiệm vụ chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh quốc gia.
Quanh cảnh Hội thảo
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đề cập đến Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; trong đó, yêu cầu đầu tư phát triển các cơ sở trọng điểm như Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhằm xây dựng các trung tâm nghiên cứu ngang tầm khu vực và thế giới.
Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm xây dựng “Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đến nay, dự thảo đề án đã cơ bản hoàn thiện sau quá trình xây dựng và lấy ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chính sách đãi ngộ nhân tài hạn chế, thủ tục hành chính phức tạp. Vì vậy, Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hoàn thiện dự thảo đề án trên; từ đó, xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị các ý kiến tập trung đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của Viện Hàn lâm, nêu rõ khó khăn, nguyên nhân, và đề xuất các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực và tài chính để tháo gỡ vướng mắc, hiện thực hóa mục tiêu đề án.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, mặc dù Đảng và Nhà nước khẳng định vai trò đột phá của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng đầu tư cho khoa học xã hội và nhân văn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các chính sách hiện nay vẫn ưu tiên khoa học tự nhiên và công nghệ, dẫn đến những khó khăn cho khoa học xã hội và nhân văn. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, đầu tư mạnh mẽ vào khoa học xã hội và nhân văn có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, “Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” được cấu trúc thành 4 phần: Phân tích cơ sở chính trị, pháp lý, thực trạng và bài học kinh nghiệm quốc tế; quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức thực hiện với phân công nhiệm vụ và dự toán nguồn lực rõ ràng; kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh yêu cầu tinh gọn bộ máy hành chính hiện nay, Viện cần chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện Đề án, đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ.
Chính vì thế, thời gian tới, các nhiệm vụ giải pháp cho từng lĩnh vực hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần được tập trung trên các lĩnh vực như: Kiện toàn tổ chức bộ máy; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới quản trị nội bộ; nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản và tư vấn chính sách; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác quốc tế, công tác thông tin khoa học xã hội (thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu, xuất bản tạp chí, sách); xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin hiện đại...
Còn theo GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, muốn phát triển Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới thì Viện phải có những chuyên gia giỏi, hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia có xu hướng chọn làm việc tại các trường đại học vì thu nhập cao hơn.
Do đó, các chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học tài năng phải được cải thiện, đặc biệt là đối với các chuyên gia đầu ngành. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần xây dựng một môi trường làm việc tốt hơn, với các chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân các tài năng.