Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Xây dựng môi trường văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta rất quan tâm và nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 6/9/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước), trong đó xác định: “Cần xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ, lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa phải gắn với không gian, điều kiện và chủ thể của mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa”.
Những năm qua, ngành Du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề môi trường văn hóa du lịch như đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ du lịch ở một số nơi còn bất cập, sản phẩm du lịch văn hóa còn thiếu tính đa dạng hấp dẫn. Công tác quản lý môi trường du lịch còn bộc lộ hạn chế; nếp sống văn minh, ý thức pháp luật chưa nghiêm, đạo đức nghề nghiệp và các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động cũng ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng môi trường du lịch và hình ảnh điểm đến du lịch.
Hiện nay chưa có quy định pháp lý về môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch số 09/2017/QH14 đã đề cập nội dung về môi trường du lịch. Theo đó, Luật Du lịch xác định ‘‘môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch’’; nguyên tắc phát triển du lịch là ‘‘Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng’’. Đồng thời, Luật Du lịch có 1 điều quy định về ‘‘bảo vệ môi trường du lịch’’ trong đó xác định rõ vai trò của Bộ, cơ quan ngang Bộ; của chính quyền địa phương; tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch cũng như của khách du lịch và cộng đồng dân cư.
Trên địa bàn Thủ đô, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội. Đây cũng là nơi chú trọng nâng cao môi trường văn hóa du lịch, xây dựng hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, thực sự thân thiện, mến khách. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Trước hết, phải thay đổi nhận thức, từ tư duy quản lý di tích theo kiểu cũ, đóng, mở cửa di tích chuyển sang tư duy phát huy các giá trị của di tích với những sản phẩm, hoạt động mang tính văn hóa, sáng tạo. Trong đó, đề cao giá trị văn hóa và từng bước chuyển hóa thành các hành vi, hoạt động, tạo nề nếp tại di tích. Qua đó, hình thành nên môi trường du lịch văn hóa sáng tạo tại một di sản với những giá trị do các thế hệ trước để lại. Trên cơ sở đó, hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại, đáp ứng đa dạng về nhu cầu và mong muốn của du khách được tiếp cận những giá trị mang bề dày của văn hóa đã tạo dựng trong hàng nghìn năm”.
Thời gian sắp tới, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Trung tâm sẽ kết nối hồ Văn với khu Nội tự và vườn Giám thành một quần thể di tích hoàn chỉnh (kết nối về địa lý và kết nối về nội dung hoạt động). Đặc biệt, đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát triển thành một Trung tâm hoạt động văn hoá thực sự với chương trình hoạt động được dự kiến theo nhiều cấp độ thời gian khác nhau (theo năm, quý, tháng, tuần), trong đó có cả các hoạt động ban ngày và buổi tối, để trở thành không gian sáng tạo. Ngoài ra, số hoá toàn bộ các dữ liệu di sản và phát triển các ứng dụng tích hợp trên website hoặc cài đặt trên smartphone cho phép công chúng, khách tham quan tìm hiểu về di tích theo từng chuyên đề. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu khai thác hoạt động, từ quản lý, bán vé đến cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm cho du khách… Hoạt động dịch vụ trong du lịch sẽ làm thay đổi nhận thức, thói quen làm việc theo tư duy bao cấp sang tư duy phục vụ, giúp người lao động làm trong ngành Du lịch năng động, sáng tạo và trách nhiệm hơn trong công việc, tạo dấu ấn cho du khách.
Bàn về việc xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, xây dựng một môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch có tầm quan trọng trong việc tạo trải nghiệm tích cực cho du khách. Môi trường văn hóa tốt giúp tạo ra trải nghiệm du lịch đặc sắc và không gian an toàn cho du khách, thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Môi trường văn hóa hỗ trợ đáng kể cho đa dạng văn hóa và tôn trọng giữa các cộng đồng, tạo nên một không gian du lịch thân thiện. Bên cạnh đó, du lịch có thể tạo ra cơ hội tốt cho phát triển kinh tế, xã hội cho cộng đồng địa phương. Một môi trường văn hóa tốt có thể giúp kích thích doanh nghiệp địa phương và tăng thu nhập cho cộng đồng, đảm bảo rằng các di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn và quản lý một cách bền vững. Môi trường văn hóa còn giúp cải thiện giao tiếp giữa nhân viên du lịch và du khách, từ đó tạo ra một ấn tượng tích cực và tăng cường hình ảnh địa điểm du lịch, từ đó, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và danh tiếng tốt, thu hút nhiều du khách hơn.