Nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

(CL&CS)- Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Diễn đàn nhằm mục đích nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía bắc, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh vai trò và tiềm năng phát triển của cây ăn quả trong kinh tế nông nghiệp của Hòa Bình, với hơn 16.000 ha trồng cây ăn quả, trong đó các loại quả có múi như cam, bưởi chiếm trên 10.000 ha. Chỉ ra những điểm nghẽn trong bảo quản và chế biến sau thu hoạch, ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND khẳng định: Định hướng của tỉnh Hòa Bình là không phát triển nóng mà tập trung vào chất lượng và chuỗi giá trị. Diễn đàn này là cơ hội để tìm kiếm giải pháp bền vững, kết nối các bên trong chuỗi cung ứng đối với tỉnh Hòa Bình nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Tại diễn đàn, các cơ quan, chuyên gia, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã chia sẻ, đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc. Cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời giới thiệu, phổ biến các quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, tổng hợp sinh vật gây hại trên một số loại cây ăn quả chủ lực và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.

Bên cạnh đó, một số đơn vị, HTX sản xuất bày tỏ mong muốn được sự đồng hành của các ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng kho bảo quản, phục vụ chế biến sản phẩm. Đại diện đơn vị, HTX sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bày tỏ mong muốn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ để các sản phẩm như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc đảm bảo được giá thành tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu; mong có cơ sở chiếu xạ ở khu vực miền Bắc để các HTX giảm chi phí sản xuất, xuất khẩu sản phẩm...

Để phát triển bền vững cây ăn quả, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi của toàn quốc để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành. Hỗ trợ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Về thị trường tiêu thụ, đối với thị trường trong nước cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả. Đối với thị trường xuất khẩu, cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống; đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi... và đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN