Nâng cao chất lượng đô thị để phát triển các đô thị vùng Đông Nam Bộ

(CL&CS)- Ngày 26/11, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Khu vực này có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước.

Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thủ tướng nêu rõ, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Trong đó, kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội.

Vùng đặc biệt quan trọng của cả nước

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.

Toàn vùng hiện có 57 đô thị, trong đó có: 03 đô thị loại I, 01 đô thị loại I, 08 đô thị loại III; 07 đô thị loại IV và 37 đô thị loại V. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 02 thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước; tại Thành phố Hồ Chí Minh có 01 đô thị loại I là thành phố Thủ Đức trực thuộc (Thủ Đức được hình thành theo mô hình thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam); thành phố Biên Hòa đô thị loại I có quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người lớn nhất trong 33 đô thị loại I của cả nước, thành phố Vũng Tàu xếp thứ 7, thành phố Thủ Dầu Một xếp thứ 10; các đô thị Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát có quy mô (từ 300 - 600 nghìn dân), là đô thị loại III có quy mô dân số lớn nhất cả nước.

Giải pháp quy hoạch hệ thống đô thị vùng Đông Nam Bộ

Trước thực tế đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cần có giải pháp về quy hoạch hệ thống đô thị vùng Đông Nam Bộ. Vì trước đó, ngày 14/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 463/QĐ–TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch vùng Đông Nam bộ lần này phải kế thừa định hướng phát triển đô thị trong quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh (tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo đó, đặc biệt quan tâm đối với các định hướng phát triển, cụ thể, hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng và cấp tỉnh (bao gồm cả đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành) có vai trò tạo động lực trong vùng nhằm tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai 3 và 4 của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; và các trục, hành lang kinh tế gắn kết Thành phố Hồ Chí Minh với Vũng Tàu; Bình Dương - Bình Phước; Đồng Nai; Tây Ninh - Mộc Bài; hệ thống đô thị trong đô thị trung tâm và vệ tinh của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; hệ thống đô thị thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; Bình Phước; Tây Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cần nâng cao chất lượng đô thị để phát triển các đô thị vùng Đông Nam Bộ

Đối với Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch tỉnh đang được lập, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo và các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong quá trình nghiên cứu lập và phê duyệt các quy hoạch, Bộ trưởng cho biết cần quan tâm chú trọng các vấn đề đối với Thành phố Hồ chí Minh và các đô thị vệ tinh tập trung phát triển công nghiệp, thương mại – tài chính, đào tạo, y tế, văn hóa - thể dục thể thao, du lịch, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp tổng thể phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động ách tắc giao thông và rủi ro từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hạn chế úng ngập do triều cường, trong đó cũng cần hạn chế bê tông cứng trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần xây dựng đô thị tập trung nén tại các vùng có địa hình cao trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm, các tuyến đường vành đai quan trọng và ở khu vực ngoại vi. Tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước và các hành lang xanh trong vùng.

Điểm đặc biệt cũng cần bảo tồn nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bảo tồn các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và vùng cửa sông. Bảo vệ và phát triển các không gian xanh, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, các hành lang xanh dọc sông...

Hạn chế các hoạt động phát triển làm biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn đối với các khu dân cư và cơ sở hạ tầng. Xử lý triệt để chất thải, kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với các khu xử lý chất thải rắn, ưu tiên dự án có công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại. Nước thải sinh hoạt đô thị, công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

TIN LIÊN QUAN