Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ lũy kế cả năm tới 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Đây cũng là con số lợi nhuận riêng lẻ kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay.
Động lực chính giúp lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng mẹ tăng phi mã đến từ thương vụ bán 50% vốn tại FE Credit.
Cụ thể, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con trong năm qua đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm ngân hàng đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và đạt 88% kế hoạch năm.
Cụ thể, trong năm qua, thu từ lãi của VPBank đạt 34.349 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2020; thu ngoài lãi đạt 9.953 tỷ đồng, tăng 48,9%, nhờ động lực từ mảng dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ đạt 44.301 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5%. Chi phí hoạt động và chi trích lập dự phòng rủi ro lần lượt ở mức 10.719 tỷ đồng (giảm 5,9%) và 19.002 tỷ đồng (tăng 30%).
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, trong năm 2021, nợ cần chú ý và nợ nghi ngờ của VPBank tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, nợ cần chú ý của nhà băng này cuối năm 2021 tăng lên 16.297 tỷ đồng tăng đáng kể so với con số 14.989 tỷ đồng của năm 2020. Trong khi đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh từ 1.823 tỷ đồng của năm 2020 lên hơn 8.446 tỷ đồng trong năm 2021.
Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của VPBank giảm gần một nửa chỉ còn 1.059 tỷ đồng so với con số 2.075 tỷ đồng của năm 2020. Nợ dưới tiêu chuẩn của VPBank trong năm 2021 chỉ tăng hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.