Năm 2021, tăng trưởng tín dụng của MSB cao nhất ngành ngân hàng

(CL&CS) - Năm 2021 là một năm thành công của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) khi tăng trưởng tín dụng đạt 28%, cao nhất ngành ngân hàng và khẳng định quyết tâm đột phá khi đặt ra những mục tiêu lớn cho năm 2022.

Tại thời điểm 31/12/2021, MSB có 5.023 nhân sự với mức lương bình quân 27,49 triệu đồng/người/tháng.

Lợi nhuận năm 2021 tăng gấp đôi

Tại thời điểm 31/12/2021, cho vay khách hàng tại MSB đạt 101.563 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất ngành ngân hàng trong năm 2021.

Tiền gửi khách hàng tăng 8,1% so với đầu năm, đạt 94.616 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm tỷ trọng 36%, nằm trong top các ngân hàng.

Kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.216 tỷ đồng, tăng 28,9% so cùng kỳ năm trước (YoY), chiếm tỷ trọng 58,7% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng.

Đặc biệt, nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% YoY với sự đóng góp mạnh mẽ từ doanh thu hoạt động dịch vụ (tăng 250% YoY), kinh doanh ngoại hối (41,8% YoY) và góp vốn mua cổ phần (53.623% YoY).

Kết thúc năm 2021, tổng thu nhập thuần của ngân hàng đạt 10.588 tỷ đồng, tăng 47,4% YoY. Sau khi trừ chi phí hoạt động 3.932 tỷ đồng (tăng 9,7% YoY) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1.568 tỷ đồng (tăng 46,1%), MSB đạt 5.088 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 100,6% YoY. Lợi nhuận sau thuế ở mức 4.035 tỷ đồng, giúp lãi cơ bản cổ phiếu (EPS) đạt 2.704 đồng.

Tại thời điểm 31/12/2021, MSB đạt 203.665 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15,3% so đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 22.038 tỷ đồng, tăng 30,6% so với đầu năm - ở mức này giá trị sổ sách đạt 14.427 đồng/cổ phiếu.

Đại diện MSB cho biết, năm 2021 ngân hàng đạt kết quả tốt trong việc quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu. Ngay từ quý 1/2021, MSB đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II và bắt đầu áp dụng chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro. Ngân hàng được Moody's nâng bậc tín nhiệm từ B2 lên B1 trong kỳ đánh giá tháng 5/2021 cho thấy những cải thiện rõ rệt về chất lượng tài sản, nguồn vốn và xử lý nợ xấu.

Nợ xấu ở mức 1,74% cũng là con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đây là nỗ lực rất lớn của ngân hàng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19. MSB đã tiến hành cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid theo thông tư 01 và thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước và đã trích lập dự phòng đầy đủ.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2021 của MSB (Đơn vị tính: tỷ đồng).

Xác lập những cột mốc mới trên thị trường chứng khoán

Chào sàn HOSE ở giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/12/2020. Cho đến nay, sau khi chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu vào tháng 10/2021, thị giá MSB vẫn tiếp tục tăng đạt những tầm cao mới. Ngoài ra, MSB còn lọt rổ VN Diamond và VN Finlead sau khoảng nửa năm niêm yết.

Đóng cửa ngày 10/2/2022 ở mức 27.550 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa đạt 44.852 tỷ đồng, P/E và P/B lần lượt là 10,4 và 1,9 lần. Như vậy, các chỉ số P/E và P/B của cổ phiếu MSB khá hấp dẫn so với bình quân ngành ngân hàng. Với kết quả kinh doanh bứt phá, MSB được giới đầu tư giá trị chú ý và dự tính còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Mục tiêu kinh doanh trong năm nay, MSB đặt kế hoạch 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng. Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa tiếp tục được MSB đẩy mạnh với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi cao nhất hệ thống trong năm 2022.

TIN LIÊN QUAN