Để tiếp cận vấn đề mua sắm bền vững, trước hết cần điểm qua một số thuật ngữ liên quan về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, tính bền vững, mua sắm bền vững. Theo TCVN ISO 26000:2013 (ISO 26000:2010):
- Trách nhiệm xã hội (social responsibility) là “Trách nhiệm của tổ chức đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đến xã hội và môi trường thông qua sự minh bạch và hành vi đạo đức mà đóng góp cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả sự lành mạnh và thịnh vượng của xã hội; tính đến những mong muốn của các bên liên quan; phù hợp với luật pháp và nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế; và tích hợp trong toàn bộ tổ chức và thực thi trong các mối quan hệ của tổ chức”.
- Phát triển bền vững (sustainable development) là “Sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu bản thân của thế hệ tương lai. Phát triển bền vững là sự tích hợp các mục tiêu về chất lượng cuộc sống cao, sức khỏe, thịnh vượng với công bằng xã hội đồng thời duy trì khả năng hỗ trợ sự sống của trái đất trong mọi sự đa dạng của nó. Những mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường này là phụ thuộc và củng cố lẫn nhau. Phát triển bền vững có thể được coi như một cách thức thể thiện những mong muốn rộng hơn của toàn thể xã hội”.
Ở đây chúng ta cũng cần biết khái niệm tính bền vững. Cũng theo TCVN ISO 26000:2013 (ISO 26000:2010), Tính bền vững (sustainability) là “Trạng thái của hệ thống toàn cầu, bao gồm các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế, trong đó nhu cầu của hiện tại được đáp ứng mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế tương tác với nhau đều phụ thuộc lẫn nhau và thường được xem là ba khía cạnh của tính bền vững”.
Vậy mua sắm bền vững là gì? Theo ISO 204000:2017, Mua sắm bền vững (sustainable procurement) là “Việc mua sắm có tác động tích cực nhất về môi trường, xã hội và kinh tế có thể có trong toàn bộ vòng đời của hàng hóa hoặc dịch vụ, tức là từ lúc thu thập hoặc tạo ra nguyên liệu thô từ nguồn tài nguyên thiên nhiên đến thải bỏ cuối cùng”.
Thực tế, mọi tổ chức đều có những tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế. Mua sắm là một công cụ mạnh mẽ đối với các tổ chức muốn thể hiện một cách có trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển bền vững để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Bằng cách lồng ghép tính bền vững trong các chính sách và thực tiễn mua sắm, bao gồm cả chuỗi cung ứng, các tổ chức có thể quản lý những rủi ro (bao gồm cả các cơ hội) để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Mua sắm bền vững là cơ hội để cung cấp nhiều giá trị hơn cho tổ chức thông qua nâng cao năng suất, đánh giá giá trị và kết quả công việc, việc cho phép người mua, nhà cung ứng và tất cả các bên liên quan trao đổi thông tin với nhau và bằng cách khuyến khích sự đổi mới.
ISO 20400đưa ra các hướng dẫn cho các tổ chức về việc tích hợp tính bền vững vào hoạt động mua sắm, không phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động, công hay tư, quy mô và địa điểm của tổ chức đó. Tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các bên liên quan tham gia hoặc chịu tác động bởi, các quyết định và quá trình mua sắm.
Tiêu chuẩn này giúp các tổ chức đáp ứng/ thực hiện các trách nhiệm về tính bền vững bằng cách cung cấp: khái niệm mua sắm bền vững; những tác động của sự bền vững và các nội dung cần xem xét ở các khía cạnh khác nhau trong hoạt động mua sắm: chính sách, chiến lược, tổ chức, quá trình, cách thức thực thi mua sắm bền vững. Việc áp dụng tiêu chuẩn này có tính đến bối cảnh và đặc điểm cụ thể của từng tổ chức, phạm vi áp dụng các khái niệm cho phù hợp với quy mô của tổ chức. Việc các tổ chức có quy mô lớn chấp nhận tiêu chuẩn này sẽ thúc đẩy cơ hội cho các tổ chức qui mô nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng của họ.
Nội dung của tiêu chuẩn gồm 4 nội dung/ điều cơ bản sau:
- Tổng quan về mua sắm bền vững. Trong đó mô tả các nguyên tắc và chủ đề cốt lõi của mua sắm bền vững và kiểm tra lý do tại sao các tổ chức thực hiện mua sắm bền vững. Đưa ra các nội dung xem xét quan trọng đối với việc quản lý các rủi ro (bao gồm cả các cơ hội), giải quyết các tác động bất lợi về tính bền vững nhờ những nỗ lực thích đáng, thiết lập các ưu tiên, tạo ảnh hưởng tích cực và tránh sự phức tạp.
- Hướng dẫn về cách thức gắn kết các nội dung xem xét về tính bền vững ở cấp chiến lược trong thực tiễn mua sắm của tổ chức, để đảm bảo rằng mục đích, định hướng và các ưu tiên chính về tính bền vững của tổ chức đều đạt được. Điều này nhằm hỗ trợ lãnh đạo cao nhất trong việc xác định chính sách và chiến lược mua sắm bền vững.
- Mô tả các điều kiện về tổ chức và kỹ thuật quản lý cần thiết để áp dụng thành công và cải tiến liên tục việc mua sắm bền vững. Tổ chức đảm bảo rằng những điều kiện và thực tiễn như vậy đều sẵn có có thể hỗ trợ các cá nhân chịu trách nhiệm mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ đưa các nội dung xem xét về tính bền vững vào quá trình mua sắm.
- Đề cập đến quá trình mua sắm và dành cho các cá nhân chịu trách nhiệm về mua sắm thực tế trong tổ chức. Điều này cũng hữu ích cho nhân sự của các phòng ban chức năng liên quan để hiểu về cách thức gắn kết tính bền vững vào các quá trình mua sắm hiện tại.
Các nguyên tắc chính về mua sắm bền vững theo ISO 204000:2017 là:
- Trách nhiệm giải trình: Tổ chức cần chịu trách nhiệm về những tác động của mình đối với xã hội, nền kinh tế và môi trường. Trong ngữ cảnh mua sắm, điều này bao gồm trách nhiệm giải trình đối với các tác động và đối với những gì về chuỗi cung ứng của tổ chức, với quan điểm vòng đời của hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Tính minh bạch: Tổ chức cần minh bạch trong các quyết định và hoạt động có tác động đến môi trường, xã hội và nền kinh tế. Trong ngữ cảnh mua sắm, điều này bao gồm minh bạch trong các quyết định và hoạt động mua sắm, đồng thời khuyến khích các nhà cung ứng cũng minh bạch. Minh bạch là cơ sở cho bên liên quan đối thoại và hợp tác.
- Hành vi đạo đức: Tổ chức cần ứng xử có đạo đức và thúc đẩy hành vi đạo đức trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
- Cơ hội đầy đủ và công bằng: Tổ chức cần tránh sự thiên vị và thành kiến trong tất cả các quyết định mua sắm. Mọi nhà cung ứng, bao gồm cả nhà cung ứng địa phương và các tổ chức nhỏ và vừa (SMO) đều cần có cơ hội đầy đủ và công bằng để canh tranh.
- Tôn trọng quyền lợi của bên liên quan: Tổ chức cần tôn trọng, xem xét và đáp ứng quyền lợi của các bên liên quan chịu ảnh hưởng bởi các hành động mua sắm của tổ chức.
- Tôn trọng quyền con người: Tổ chức cần tôn trọng những quyền con người đã được thừa nhận quốc tế.
- Giải pháp đổi mới: Tổ chức cần tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các mục tiêu về tính bền vững và khuyến khích thực hành mua sắm đổi mới nhằm thúc đẩy các kết quả bền vững hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
- Hướng vào nhu cầu: Tổ chức cần xem xét nhu cầu, chỉ mua những thứ gì cần thiết và tìm kiếm những thứ thay thế bền vững hơn.
- Tích hợp: Tổ chức cần đảm bảo rằng tính bền vững được tích hợp trong tất cả các thực hành mua sắm hiện có nhằm tối đa hóa các kết quả bền vững.
- Phân tích mọi chi phí: Tổ chức cần xem xét chi phí phát sinh trong vòng đời, giá trị tiền tệ thu được và các chi phí và lợi ích đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế do các hoạt động mua sắm của tổ chức tạo ra.
- Cải tiến liên tục: Tổ chức cần hoạt động hướng tới việc cải tiến liên tục các thực hành và kết quả của tính bền vững, đồng thời khuyến khích các tổ chức trong chuỗi cung ứng cũng hành xử tương tự.
Có thể xem các nội dung chi tiết liên quan đến mua sắm bền vững trong ISO 20400:2017.
Thu Phương