Mang hồng treo gió lên truyền hình lên gọi vốn, kỳ vọng doanh thu 2 năm nữa lên 40 tỷ, nữ startup được cả 5 Shark 'hộ tống'

Cảm kích trước câu chuyện nhân văn của nhà khởi nghiệp Vương Thị Thương, các Shark nhanh chóng đưa ra đề nghị đầu tư.

Gây thiện cảm lớn trong tập 4 "Shark Tank Việt Nam" mùa 7 là chị Vương Thị Thương, 35 tuổi, với sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió” - đặc sản huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Nhà khởi nghiệp bày tỏ khát vọng phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng ở vùng biên giới xứ Lạng. Đây là một trong ba dự án giành giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023.

Chị Vương Thị Thương với sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió”.

Hồng vành khuyên là thức quà đặc sản của quê hương Văn Lãng. Nơi đây có diện tích trồng hồng là 1.400 ha, tổng sản lượng là 10.000 tấn/năm. Sau hai năm dày công nghiên cứu, Vương Thị Thương đã mạnh dạn vay ngân hàng xây dựng xưởng, mua máy móc thiết bị để làm hồng vành khuyên treo gió. Sản phẩm này có thể bảo quản lâu, dễ dàng vận chuyển đi xa và bán được quanh năm. Nhờ đó, hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng được nâng tầm giá trị lên gấp 20 lần, giúp nhiều bà con thoát khỏi cảnh nghèo đói và lam lũ.

Khi được Shark Minh Beta hỏi về căn cứ định giá tài sản và bày tỏ sự băn khoăn về mô hình hoạt động của tổ chức kinh doanh, Vương Thị Thương cho biết mình đang dựa trên hai cơ sở: tài sản sẵn có và thị hiếu của thị trường. Theo đó, nhà xưởng được định giá 10 tỷ, hiện cô đang sở hữu 4 công nghệ đã được định giá bởi Viện Khoa học. Cô cũng xoa dịu băn khoăn của các Shark về mô hình hoạt động hiện tại gây khó khăn trong việc nhận vốn đầu tư và cho biết sẽ phát triển hợp tác xã lên thành công ty.

Nâng giá trị quả hồng lên gấp 20 lần, nữ startup ước mơ tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc vùng biên giới xứ Lạng.

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Vương Thị Thương cho biết doanh thu năm 2023 là 6 tỷ, lợi nhuận 2,1 tỷ. Mục tiêu doanh thu 2024 là 10 tỷ, 2025 là 18 tỷ và 2026 là 40 tỷ. Với số vốn kêu gọi đầu tư từ các Shark, cô sẽ dùng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao sản lượng và tiếp tục nghiên cứu ra những sản phẩm mới, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.

Shark Bình và Shark Minh Beta quyết định đầu tư.

Cảm kích trước câu chuyện nhân văn của nhà khởi nghiệp, các Shark nhanh chóng đưa ra đề nghị đầu tư. Sau khi trao đổi với chuyên gia, chị Thương đồng ý với đề nghị của Shark Bình và Shark Minh Beta là đầu tư 2 tỷ cho 33% cổ phần kèm điều kiện loại bỏ đất đai khỏi tài sản doanh nghiệp và khoản vay 3 tỷ có thời hạn 3 năm sẽ chuyển đổi thành cổ phần theo định giá thị trường hoặc CAP (định giá trần) là 20 tỷ đồng.

Tuy chốt deal với hai Shark, nhưng đây là lần đầu tiên một startup nhận được sự hỗ trợ và “hộ tống” của cả 5 Shark để phát triển đặc sản bản địa và chinh phục thị trường thế giới.

TIN LIÊN QUAN