Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 5/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phục vụ gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,9% so với thời kỳ cao điểm 2019 (đạt 7,3 triệu lượt).
Trong đó, 83,7% du khách đến bằng đường hàng không, 14,2% đến từ đường bộ và 2,1% đến từ đường biển. Thời gian qua, dù du khách đến từ đường biển chưa nhiều nhưng nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... xác định du lịch bằng tàu biển sẽ có sự tăng vọt từ cuối năm 2024. Với những tiềm năng sẵn có, các tỉnh này có nhiều hành động nhằm thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Về doanh từ du lịch trong 5 tháng qua dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường lớn nhất gửi khách đến Việt Nam tháng 5, với hơn 357.000 lượt. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với hơn 351.000 lượt khách đến. Các thị trường top 10 có thể kể đến Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Australia.
Theo nhiều chuyên gia du lịch đánh giá, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm tăng vì mùa cao điểm đón khách quốc tế là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Từ tháng 5 trở đi, do bất lợi về thời tiết nắng nóng, oi bức nên lượng khách sẽ có phần giảm.
Tuy nhiên, mới đây, theo số liệu từ Agoda cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút du khách châu Âu nhất dựa trên lượt tìm kiếm chỗ ở. Cụ thể, Việt Nam có số lượng tìm kiếm tăng 66%. 3 điểm đến tại Việt Nam được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An và Nha Trang.
Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 850.000 tỷ đồng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng toàn ngành cần chú trọng thực hiện tốt việc truyền thông, xúc tiến quảng bá, xác định rõ thị trường mục tiêu, tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin điểm đến.
Ngoài ra, ngành cũng cần hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, Trung ương với địa phương, Nhà nước và doanh nghiệp để triển khai hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch cụ thể, sáng tạo hơn.
Bên cạnh quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách, việc nâng cao chất lượng phục vụ cũng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cơ bản của du khách như ăn, ở, đi lại, chơi... Đồng thời, ngành cần chú trọng phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích thích nhu cầu chi tiêu và ở lại của du khách... Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đêm như Hà Nội, Ninh Bình (đêm rừng Cúc Phương), TPHCM (trải nghiệm, khám phá thành phố về đêm, địa đạo Củ Chi...)... nhận được nhiều quan tâm của du khách.