Dương xỉ (tên khoa học là Polypodium Leucotomos), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, chứa nhiều hoạt chất quý, được ứng dụng linh hoạt cho y học để bảo vệ sức khỏe và chống lại bệnh tật. Ở Việt Nam, cây còn gọi là rau dớn, thái quyết, cẩu tích, mọc nhiều ở ven rừng, bờ suối, vực sâu... thường là những nơi ẩm thấp. Người dân nước ta coi dương xỉ là cỏ dại, song nhiều quốc gia lại cho đây là loại rau có giá trị, được chế biến thành nhiều món ăn.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền An Triết, cho biết dương xỉ có một số lợi ích như vừa để làm cảnh, vừa lọc được các chất độc hại như xylen, toluene, aldehyde formic trong không khí. Đây cũng là một trong số ít loại thực vật có khả năng hấp thụ độc tố asen trong đất, làm sạch nguồn nước, bảo vệ nước khỏi các chất gây ô nhiễm.
Trong Đông y, dương xỉ vị ngọt đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, hóa đàm, có thể làm được thảo dược trị cảm, ho, viêm họng, chống đau lưng, suy yếu khí huyết, giúp cầm máu, chữa phong hàn thấp... Cây chứa protein, chất béo, các vitamin và khoáng chất, giúp bổ sung nước và chất xơ rất tốt cho cơ thể. Lá non và tươi tác dụng bồi bổ ngũ tạng, lợi kinh lạc gân cốt.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, dương xỉ phải được kết hợp cùng các loại thuốc đông y trong từng bài cụ thể, gia giảm phù hợp, chế biến linh hoạt... mới có tác dụng. Nếu ăn nguyên cây hay lá sẽ gây hại.
Ngoài ra, nghiên cứu lại cho thấy ăn dương xỉ diều hâu - Pteridium aquilinum có thể gây nên ngộ độc hoặc bệnh ung thư. Theo Viện Bệnh học Phân tử và Miễn dịch học tại Đại học Porto (Bồ Đào Nha), dương xỉ diều hâu là loại thực vật bậc cao duy nhất được biết đến có khả năng gây ra bệnh ung thư.
Độc tố gây ung thư của dương xỉ diều hâu là ptaquiloside - một hợp chất gây ung thư có liên quan đến ung thư dạ dày, vòm họng, đường tiết niệu cho cả người và động vật ăn cỏ. Con người có thể bị phơi nhiễm trực tiếp khi ăn dương xỉ. Hoặc ăn thịt, uống sữa của các động vật ăn dương xỉ, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Thực tế ngoài dương xỉ diều hâu, sự hiện diện của ptaquiloside còn được phát hiện ở nhiều loại dương xỉ khác nhưng ở dương xỉ diều hâu là nhiều nhất.
Vào năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã phân loại ptaquilosid là chất gây ung thư nhóm 2B. Theo IARC, nhóm 2B bao gồm những chất (hoặc hỗn hợp) có thể gây ung thư cho người.
Ptaquiloside có hòa tan trong nước và có thể bị phá hủy bằng cách đun sôi và tiếp xúc với muối. Có nhiều khuyến cáo nếu dùng rau dương xỉ, có thể nấu chín trong thời gian 15 phút. Tuy nhiên, những khuyến cáo này không có tính thực tế, bạn vẫn cần tránh sử dụng dương xỉ và các loại rau rừng lạ.
Nhìn chung, bác sĩ nhận định cây dương xỉ lợi ít song tác hại nhiều, người dân không nên ăn nếu không thực sự cần thiết. Nếu tình thế bắt buộc, mỗi lần chỉ nên ăn tối đa 10g, không nên ăn nhiều và ăn trong thời gian dài ngày.