Loại hoa rừng giàu kali, xưa là món ăn chống đói, nay ở Thái Bình là rau sạch của đặc sản vạn người mê

Loài hoa này có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon đồng thời chứa các chất giúp ổn định cholesterol và đường huyết, tốt cho hệ tiêu hóa.

Trước kia, hoa chuối rừng thường được sử dụng như một loại rau chống đói. Gần đây, chị em Hà thành rộ lên phong trào mua hoa chuối rừng về cắm. Tuy nhiên, ít người biết rằng loài hoa này còn được dùng để chữa bệnh.

Với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thời gian gần đây, hoa chuối trở thành thú chơi độc lạ được hội chị em ưa chuộng mua về cắm. Loại hoa này cũng khá bền, chị em có thể chơi được 2-3 tuần, thậm chí cả tháng

Chuối rừng (Musa acuminata) là loài chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á. Cùng với chuối hột, đây là tổ tiên của các loài chuối hiện đại.

Chuối là loài cây phổ biến ở nước ta. Hầu hết các bộ phận của cây như hoa, quả, lá, thân, củ đều có ích và gắn liền với đời sống nhân dân. Trong đó, hoa chuối rừng được biết đến như một loại rau dân dã, trước đây được dùng để chống đói.

Loài hoa rừng được hội chị em săn lùng

Đến nay, hoa chuối vẫn được sử dụng trong ẩm thực bởi sự tinh tế và giá trị dinh dưỡng. Nó có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, do đó còn được dùng chữa suy dinh dưỡng trẻ em, người suy nhược cơ thể.

Hoa chuối chứa chất bổ sung dinh dưỡng đáng kể dựa trên hàm lượng kali và chất xơ (lignin, cellulose và hemicelluloses) cao. Ngoài kali, nguyên tố đa lượng có nhiều nhất trong hoa chuối là canxi, phospho. Các nguyên tố khác bao gồm magie, natri, mangan, kẽm, sắt, đồng...

Dưới đây là một số tác dụng dược lý nổi bật của hoa chuối rừng đã được nghiên cứu.

Tác dụng kháng khuẩn

Chiết xuất hoa chuối cho thấy hoạt tính kháng khuẩn tốt đối với các vi sinh vật được thử nghiệm như Escherichia coli, Proteus mirabilis, Staphylococcus aureus, Micrococcus sp, Salmonella sp, Bacillus subtilis, Bacillus thuringiensis, Candida albicans và Aspergillus niger.

Đặc tính kháng khuẩn này có lẽ giải thích cho việc người dân bản địa sử dụng hoa chuối để điều trị và chữa lành một số bệnh nhiễm trùng

Tác dụng chống oxy hóa

Trong nhiều nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng cây chuối có thể tự bảo vệ mình khỏi stress oxy hóa bằng cách sản xuất một lượng lớn chất chống oxy hóa.

Tác dụng chống tăng đường huyết

Việc tiêu thụ hoa chuối như một loại rau rất phổ biến ở nhiều nước ở Đông Nam Á. Với hàm lượng chất xơ cao cùng với các chất chống oxy hóa, hoa chuối có tác dụng điều hòa đường huyết, chống tăng đường huyết.

Nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất hoa chuối là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ, có thể được sử dụng làm chất điều hòa đường huyết sau bữa ăn.

Ngăn ngừa phì đại tuyến tiền liệt

Một vấn đề tiết niệu phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi là phì đại tuyến tiền liệt. Trong y học cổ truyền, hoa chuối được dùng để điều trị các vấn đề về tiết niệu. Trong một nghiên cứu trên động vật, đặc tính chống viêm của chiết xuất hoa chuối làm giảm kích thước tuyến tiền liệt phì đại. Thành phần axit citric và axit amin của hoa có thể liên quan tới tác dụng này.

Chất chống oxy hóa trong hoa chuối đã được chứng minh giúp giảm viêm ở tuyến tiền liệt và cải thiện lượng nước tiểu khi kết hợp với các bài thuốc khác.

Ngăn ngừa loãng xương

Hoa chuối được sử dụng để làm giảm bớt sự khó chịu ở khớp, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng loãng xương. Theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chất chống oxy hóa quercetin và catechin trong hoa chuối ngăn ngừa mất xương.

Hoa chuối đã được chứng minh đủ an toàn để ăn, hiếm có tác động tiêu cực. Dù vậy, nếu bạn đang có những vấn đề sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ăn các thực phẩm mới.

Bún bung hoa chuối vạn người mê

Thái Bình được mệnh danh là quê hương năm tấn với nhiều đặc sản ngon, nổi tiếng như bánh gai Đại Đồng, ổi Bo, bún bung, canh cá Quỳnh Côi, gỏi nhệch, bánh nghệ, bánh cáy làng Nguyễn... Và gây thương gây nhớ cho du khách khi ghé thăm tỉnh Thái Bình chính là món bún bung - đặc sản nơi đây.

Khác với bún dọc mùng, bún chả, bún Huế, bún mọc, bún đũa... bún bung độc - lạ hơn khi được hầm cùng hoa chuối

Chính vị chan chát của hoa chuối cùng thịt đã tạo nên hương vị riêng, rất đặc trưng của bún bung và khó có thể tìm thấy ở bất cứ món ăn nào khác.

Tên gọi bún bung xuất phát từ “bún” dùng để chỉ bún lá hoặc bún rồi còn “bung” để chỉ nước dùng cho bún. Ngoài ra, từ “bung” còn được người dân nơi đây giải thích là để gọi chiếc nồi đồng cỡ lớn. Bởi lẽ, khi chế biến cần đun, ninh lâu với nhiều nước trong nồi lớn nên gọi là bung.

Đến nay, bún bung đã có sự “phủ sóng” khắp cả nước. Không khó có thể tìm kiếm một quán bún bung tại Sài Gòn hay Hà Nội. Như thế mới thấy được hết sức hút của bún bung - một đặc sản trứ danh của tỉnh Thái Bình.