Hạt mắc ca (macca) hay còn có tên gọi khác là hạt macadamia, có xuất xứ từ Úc và ngày nay đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hạt mắc ca được biết đến với tên gọi hạt đắt nhất thế giới không chỉ về giá cả mà còn bởi giá trị dinh dưỡng mà hạt này mang lại.
Mắc ca được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Hầu hết khi chín sẽ tự rụng, tự nứt vỏ ít nhiều giúp nhân công dễ dàng tách vỏ thay vì phải dùng máy cưa. Thường mùa mắc ca sẽ rơi vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 hàng năm.
Thông thường, cây mắc ca sau 3 – 4 năm trồng sẽ bắt đầu cho quả thu hoạch và sau 10 năm thì năng suất ổn định. Dấu hiệu để nhận biết quả mắc ca chín là kiểm tra mặt trong vỏ quả và mặt ngoài vỏ hạt. Khi đó vỏ trong của quả sẽ chuyển từ màu trắng sang màu nâu và vỏ mặt ngoài vỏ hạt sẽ chuyển từ màu nâu nhạt sang màu nâu thẫm thì lúc đó quả mắc ca đã bắt đầu sắp chín và rụng.
Trên thị trường, hạt mắc ca được bày bán có nhiều loại, cả loại tươi và sấy khô, trong đó hạt mắc ca sấy khô tách vỏ đắt nhất, có giá từ 420.000-6000.000 đồng/kg. Vào dịp Tết, thứ hạt này được nhiều người đặt mua về để ăn hoặc đãi khách.
Mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, chủ yếu là hạt sấy khô, nhân. Mắc ca xuất khẩu sang Nhật Bản được bán trong siêu thị với giá khoảng 700.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu, hạt mắc ca chứa một loạt các chất dinh dưỡng. 28,35 gam hạt mắc ca cung cấp:
- Lượng calo: 204
- Chất béo: 21,5 gam
- Chất đạm: 2 gam
- Carb: 4 gam
- Chất xơ: 2,5 gam
- Vitamin B1: 28% DV
- Mangan: 51% DV
- Đồng: 24% DV
Các tác dụng của hạt mắc ca đối với sức khỏe:
Tốt cho tim mạch
Hạt mắc ca chứa chất béo lành mạnh rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Hàm lượng chất béo không bão hòa có trong hạt mắc ca có thể giảm cholesterol xấu và triglyceride, giúp mạch máu thông suốt. Tiêu thụ hạt mắc ca hợp lý rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và cải thiện các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Giàu chất chống oxy hóa
Hạt mắc ca chứa flavonoid giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Đồng thời flavonoid còn hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp chống lại tác hại của các gốc tự do, ngăn ngừa các bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, các axit phenolic, flavonoid và stilbenes còn có khả năng cung cấp chất chống oxy hóa hữu ích để phòng chống các bệnh ung thư.
Giảm nguy cơ mắc tiểu đường
Hạt mắc ca có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh cũng như giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Điều này có thể đến từ sự kết hợp của chất xơ cùng với các a-xít béo không bão hòa đơn có trong hạt mắc ca.
Hơn nữa, hạt mắc ca còn là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp (chỉ số phản ánh khả năng hấp thu và làm tăng nồng độ glucose trong máu của thức ăn), phù hợp cho chế độ ăn uống của cả người bình thường và bệnh nhân tiểu đường.
Cải thiện sức khỏe xương
Hạt mắc ca có chứa các khoáng chất như canxi, magie, kali giúp tăng cường sức khỏe và sự phát triển của xương. Ngoài ra, phospho có trong hạt mắc ca cũng góp phần giúp cho xương và răng chắc khỏe.
Không chỉ giúp xương chắc khoẻ, hạt mắc ca còn hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương ở người lớn tuổi và giảm các triệu chứng đau nhức của bệnh viêm khớp nhờ chứa hàm lượng lớn omega-3.
Cải thiện chức năng não bộ
Đồng, thiamine, magie và mangan trong hạt mắc ca là thành phần quan trọng, hỗ trợ sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Hạt mắc ca cũng chứa nhiều axit oleic và axit palmitoleic góp phần cải thiện chức năng não bộ.
Ngoài ra, mắc ca có chứa axit béo omega-9, một loại axit béo giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường trí nhớ và ngăn ngừa các bệnh thần kinh và bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi.