Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn bắt đầu từ 17h ngày 17/8 và hoàn thành chậm nhất đến ngày 19/8. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024. Nhìn chung, điểm chuẩn ở nhiều trường và ngành học đã tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, ngành Sư phạm có mức điểm chuẩn cao kỷ lục trong 10 năm qua.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm cao nhất trong 10 năm qua
Ngay từ thời điểm nhận nguyện vọng, ngành Sư phạm đã được dự báo sẽ có mức điểm chuẩn cao do lượng hồ sơ xét tuyển lớn. TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết điểm chuẩn năm nay của trường sẽ tăng do số nguyện vọng đăng ký vào trường khoảng 40.000, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.000.
Sau khi công bố điểm chuẩn, Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận mức điểm đầu vào cao kỷ lục kể từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn lên tới 29,3 điểm, mức điểm cao nhất toàn quốc. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình gần 9,8 điểm/môn mới đủ điều kiện trúng tuyển.
Các trường đào tạo Sư phạm khác như Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), Sư phạm Thái Nguyên, và Sư phạm Huế đều có điểm đầu vào cao nhất trên 28, gần 29 điểm. Ngành Sư phạm của Đại học Vinh cũng có mức điểm chuẩn cao, trên 28 điểm.
Điểm đầu vào ngành Sư phạm tăng cao do nhiều nguyên nhân. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số nguyện vọng đăng ký vào ngành này đã tăng 85% so với năm ngoái, và ở một số trường, số nguyện vọng tăng gấp đôi, trong khi chỉ tiêu không thay đổi so với năm ngoái. Nhiều ngành Sư phạm chỉ có chỉ tiêu tuyển sinh từ 15-20 sinh viên và không xét điểm thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, điểm thi tốt nghiệp năm nay cũng cao hơn, đặc biệt là ở các môn Văn, Sử, và Địa. Top 200 thí sinh có điểm tổ hợp cao nhất cả nước đều đạt từ 29,25 điểm trở lên, và số thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên lên tới hàng chục nghìn.
Bên cạnh đó, hiện nay sinh viên ngành Sư phạm được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng mỗi tháng. Bộ Chính trị cũng đề xuất giáo viên là đối tượng có "mức lương cao nhất". Chính vì thế, số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm đã tăng vọt.
Ngành Công nghệ vẫn là xu hướng
Nhóm ngành Công nghệ, đặc biệt là Khoa học máy tính, luôn giữ được sức hút và có điểm chuẩn cao trong nhiều năm qua. Năm nay, điểm đầu vào của các ngành này dao động từ 26-28 điểm.
Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), các chương trình tiên tiến như Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu có điểm chuẩn từ 26,85 đến 28,5 điểm, tăng từ 0,2 đến 0,5 điểm so với năm trước.
Tương tự, tại Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn cho các ngành Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo cũng ghi nhận mức tăng nhẹ.
Đặc biệt, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, lần đầu tiên tuyển sinh các ngành An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm và Hệ thống thông tin, đã chứng kiến điểm chuẩn cao ngất ngưởng, từ 34,5 đến gần 36/40 điểm, thuộc nhóm điểm chuẩn cao nhất.
Chia sẻ với Vnexpress, ThS Phùng Quán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, điểm chuẩn của các ngành công nghệ liên quan đến dữ liệu, máy tính và trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục tăng ở một số trường. Điều này chứng tỏ sức hút của các ngành này với thí sinh không giảm và dự báo sẽ tiếp tục là xu hướng trong vài năm tới.
Nhóm Marketing, Logistics duy trì mức đầu vào cao
Ngành Marketing và Logistics thường có điểm chuẩn trên 24 điểm, tại các trường top thường không dưới 26 điểm. Theo xu hướng phát triển đa ngành và đa lĩnh vực, ngày càng nhiều trường đại học mở rộng đào tạo các ngành Marketing và Logistics. Năm nay, hai ngành này đều nằm trong nhóm có điểm chuẩn cao nhất.
Tại trường Đại học Thương mại, ngành Marketing thương mại có điểm chuẩn cao nhất là 27, trong khi ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là 26,9 điểm. Tương tự, Học viện Tài chính ghi nhận điểm chuẩn cao nhất cho ngành Hải quan và Logistics là 36,15/40 điểm. Tại Đại học Kinh tế Huế, ngành Marketing dẫn đầu với 23/30 điểm.
Ở những trường vốn thiên về đào tạo kỹ thuật và khoa học tự nhiên như Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, ngành Marketing và Logistics cũng có điểm chuẩn cao nhất, lần lượt là 26,5 và 24,54 điểm. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận điểm chuẩn cao nhất cho ngành Logistics là 25,25 điểm, tăng 0,75 điểm so với năm trước.
Nhóm ngành Y Dược tiếp tục đứng đầu
Nhóm ngành Y Dược, đặc biệt là Y khoa, Răng Hàm Mặt vẫn đứng đầu về điểm chuẩn. Tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Y khoa có điểm chuẩn là 28,27 điểm, tăng 0,54 điểm so với năm ngoái. Ngành Răng Hàm Mặt đạt 27,67 điểm.
Tại Đại học Y Thái Bình, điểm chuẩn ngành Y khoa là 26,17 điểm, tăng gần 0,4 điểm.
Ở phía Nam, Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận điểm chuẩn tăng 0,4-0,5 điểm cho các ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt, lần lượt đạt 27,8 và 27,35 điểm. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có mức điểm chuẩn cao cho hai ngành này, với 26,57 và 26,49 điểm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh trúng tuyển phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung trước 17h ngày 27/8. Nếu bỏ qua bước này mà không có lý do chính đáng, thí sinh sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển.
Từ ngày 28/8, các trường chưa đủ chỉ tiêu có thể tuyển sinh bổ sung. Thí sinh có nhu cầu đăng ký cần theo dõi thông tin từ các trường và thực hiện theo hướng dẫn.