Theo đó, hoạt động giáo dục dạy kỹ năng sống ở các nhà trường phải đảm bảo nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho người học; có nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý người học, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Phù hợp với chương trình giáo dục và không làm thay đổi khung thời gian năm học của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; nội dung không trùng lặp với chương trình giáo dục kỹ năng sống bắt buộc theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cơ sở giáo dục liên kết tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh; phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng sống bằng hình thức liên kết trong đơn vị mình. Quá trình triển khai phải đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả, vừa sức và không gây áp lực cho học sinh.
Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các trung tâm kỹ năng sống khi liên kết dạy trong nhà trường cần phải có giáo trình, tài liệu, chương trình được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; có giấy phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Với giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên phải đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan; có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo hoạt động kỹ năng sống do đơn vị đào tạo kỹ năng sống có thẩm quyền cấp; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để liên kết tổ chức hoạt động theo các quy định hiện hành và được Sở GD&ĐT thẩm định cho phép liên kết tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục.
Về phía các cơ sở giáo dục, trong quá trình phối hợp, cần có đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia quản lý, giám sát việc triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống của trung tâm. Chủ động xây dựng mức thu phù hợp để trang trải chi phí thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống; đảm bảo thu đủ bù chi, phù hợp với khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, tùy tình hình thực tế của từng đơn vị, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, năng lực đội ngũ giáo viên… các đơn vị được chủ động xây dựng dự toán chi cho các nhóm chi nhưng không quá định mức chi quy định hiện hành và cân đối trong nguồn thu được của đơn vị. Chi tiết các nội dung chi, mức chi phải được thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.