TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội đền Lục Giáp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ di sản, đền Lục Giáp nằm trên địa bàn phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên. Thời xưa, đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt (phường Đắc Sơn ngày nay). Đến thế kỷ XII, để tưởng nhớ công ơn của Dương Tự Minh, người đã có công lớn giữ yên bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt, nhân dân làng Sơn Cốt đã lập miếu để thờ ông.
Lễ tế trong ngày khai hội đền Lục Giáp. Ảnh: TL
Thế kỷ XV, tiến sĩ Đỗ Cận, người làng Thống Thượng đã thuê thợ giỏi đục đẽo và chạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh rồi đem về dựng trên nền miếu cũ. Từ đó, nhân dân trong 6 giáp vùng Sơn Cốt trông coi đền và đền mang tên Lục Giáp kể từ đó.
Ngoài ra, đền còn có tên gọi là Miếu Vật, gắn liền với sự kiện Lưu Nhân Chú, một vị tướng thời Lê, đến vùng Sơn Cốt tuyển mộ nghĩa quân. Trong thời gian tuyển quân, ông đã tổ chức thi đấu vật tại đền Lục Giáp. Năm 1993, đền Lục Giáp được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ hội Đền Lục Giáp được tổ chức vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm để tưởng niệm các danh nhân Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận… Phần lễ có các hoạt động đặc trưng về tín ngưỡng tâm linh như: Tế thần, hầu đồng, dâng hương, rước cỗ... Phần hội tái hiện các trò chơi dân gian: Vật cổ truyền, hát ví giao duyên, kéo co, chọi gà...
Ngày 1/4/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có quyết định đưa Lễ hội đền Lục Giáp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội này.
Vật cổ truyền là trò chơi dân gian không thể thiếu trong Lễ hội đền Lục Giáp. Ảnh: TL
Trước đó, năm 2020, đền Lục Giáp đã được Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Năm 2022, công trình hoàn thành giai đoạn 1, với kinh phí trên 11,9 tỷ đồng. Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai giai đoạn 2, với một số hạng mục: Miếu lầu cô - lầu cậu, nghi môn, nhà khách và các công trình phụ trợ khác…