Làng thêu Đông Cứu: Giữ lửa truyền thống giữa thách thức thời gian

(CL&CS) - Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Nam, làng Đông Cứu, huyện Thường Tín, nổi danh với nghề thêu truyền thống từ bao đời nay. Đây không chỉ là nơi thêu long bào độc nhất Hà thành mà còn là làng nghề thêu nổi tiếng về những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Làng thêu có tuổi đời hàng trăm năm

Theo thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, một vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm ông tổ nghề thêu. Tương truyền rằng, sau một lần sang phương Bắc, ông đã học được kỹ thuật thêu bên đó rồi mang về truyền lại cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.

Khác với các làng lân cận trên địa bàn huyện làm về thêu ren, thêu tranh, thêu cờ, thêu áo dài,... Làng Đông Cứu là làng thêu duy nhất ở miền Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa. Tuy nhiên, để có thể duy trì làng nghề, bên cạnh việc thêu và phục dựng long bào thì người dân làng Đông Cứu còn sản xuất các sản phẩm thêu phục vụ lễ hội, đặc biệt là trang phục hầu đồng.

Nhờ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân, các sản phẩm từ làng Đông Cứu đã nổi danh khắp cả nước.

Được biết, cách đây hàng chục năm về trước, người dân làng Đông Cứu chủ yếu làm lâm nghiệp, nhưng do sản lượng thấp, đời sống người dân vẫn trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, dần dần, họ chuyển sang tập trung làm nghề thêu truyền thống. Tính đến hiện nay, làng Đông Cứu có đến 80% hộ làm nghề thêu và cũng nhờ đó mà đời sống người dân được cải thiện, kinh tế cũng phát triển hơn.

Những trăn trở về sự kế thừa 

Nghề thêu làng Đông Cứu có một lịch sử lâu đời, kéo dài hàng trăm năm, bắt nguồn từ thời kỳ phong kiến khi các sản phẩm thêu được sử dụng phổ biến trong cung đình và các đền chùa. Nghề thêu ở đây đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, duy trì và phát triển qua thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của nghề, các nghệ nhân tại làng vẫn không khỏi lo lắng về việc kế thừa nghề truyền thống khi những giá trị ấy đang dần bị mai một.

Đứng trước nỗi lo về các giá trị cũ đang dần biến mất, chị Đàm Thị Phà chủ xưởng may Đốc Phà tại làng Đông Cứu có những chia sẻ: “Tại Đông Cứu, nhân sự nghề thêu thường là những người thợ lâu năm, mặc dù đã làm trong nghề 20 năm thế nhưng chị thấy giờ người không còn mấy ai còn theo nghề, một phần vì nhân công rẻ và yêu cầu nghề cao. Thêu một chiếc long bào rơi vào tầm nửa năm mà lợi nhuận không nhiều. Nhiều lý do từ vấn đề thu nhập đến đòi hỏi từ nghề nên không còn nhiều thợ tỉ mỉ tìm tòi, nghề thêu cũng bị mai một và cũng dần mất cái giá trị của nghề”.

Thợ thêu tại xưởng Đốc Phà.

Được biết, những thợ tại làng Đông Cứu đều là những người làm lâu năm, có tay nghề và đã gắn bó với nghề lâu dài. Thêu một chiếc long bào tùy vào nhu cầu của bên yêu cầu phục chế, với những bộ long bào cho ngai nhỏ thời gian phục chế rơi vào 5-6 tháng, còn phục chế những bộ long bào cho ngai to thêu tay phải mất đến một năm để hoàn thiện.

Nghề thêu tưởng chừng đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng thực tế lại rất vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khả năng tập trung cao độ. Cho đến nay, mặc dù cũng có nhiều xưởng ở các xã lân cận cũng làm về thêu long bào, thế nhưng cũng chỉ là các bản phục chế làm bằng máy hoặc được sản xuất từ các xưởng gia công rẻ. 

Làng nghề Đông Cứu không chỉ phục chế những bộ long bào bắt mắt mà còn thêu “khăn chầu, áo ngự”. Văn hoá hầu đồng không còn xa lạ với các giá trị văn hoá truyền thống, tuy nhiên tại làng Đông Cứu, khăn áo hầu đồng cũng gặp không ít thách thức. Hiện nay các xưởng gia công mọc lên đồ sộ, nên làng nghề phải cạnh tranh cao điều này cũng ảnh hưởng tới nghề. 

Chia sẻ với PV, chị Phà cho biết: “Giờ việc bị copy hay cướp khách là chuyện quá bình thường. Mình cứ giao mẫu nào ra là người ta copy lại mẫu đấy, thế nhưng hàng chợ vẫn là hàng chợ. Khách hàng người ta biết người ta nhìn ngay ra hàng nào với hàng nào. Ngoài ra, giờ buôn bán khó khăn vì còn phải cạnh tranh với làng nghề khác, giờ thiên hạ nó cũng bắt chước làm nhiều mà còn phá giá thị trường chứ không như ngày xưa. Kèm theo việc công nghệ phát triển, bọn trẻ nó lấy hàng nhập về nó bán, lấy hàng lại của các nơi".

Chị Đàm Thị Phà chủ xuởng may Đốc Phà tại làng Đông Cứu.

Chia sẻ thêm về những khó khăn mà xưởng may Đốc Phà nói riêng và các xưởng may tại làng Đông Cứu nói chung, chị Phà cũng cho biết rằng hiện nay nghề đang dần bị mai một. Một phần là lớp trẻ không am hiểu tìm tòi về nghề thêu long bào, thiếu kiến thức dẫn tới việc phục chế long bào hay thêu khăn chầu áo ngự thiếu cái hồn cái chất, một phần là giờ máy móc phát triển nên bị phụ thuộc vào máy móc không nâng cao được tay nghề.

Ông Nguyễn Thế Du, chủ cơ sở thêu Du Biển, đồng thời là Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu chia sẻ thêm về những khó khăn: “Khác với thế hệ cũ, giờ lớp trẻ đi theo hướng thiên về số lượng, quan trọng lợi nhuận nên chất lượng sản phẩm kém, kèm theo đó là việc bán hàng phá giá ảnh hưởng không ít đến giá trị của nghề”.

Giữ lửa nghề giữa thách thức thời gian 

Để trở thành một làng nghề thêu truyền thống nổi tiếng như ngày nay, làng Đông Cứu đã trải qua một quá trình dài nỗ lực, bền bỉ xây dựng thương hiệu và phát huy sự sáng tạo, kế thừa từ nhiều thế hệ. Hiện nay, làng thêu Đông Cứu đang hội tụ những nghệ nhân tài ba, đầy tâm huyết, sẵn sàng truyền dạy nghề cho tất cả mọi người, để giữ gìn và phát triển nghề thêu truyền thống. Những nghệ nhân cán cốt của làng thì vẫn luôn gìn giữ những kĩ thuật thêu lối cổ, giữ được nét cổ truyền trong từng đường kim chứ không chạy theo thị hiếu hay lợi nhuận, kèm theo đó là ưu tiên chất lượng hơn số lượng. 

Làng thêu Đông Cứu huyện Thường Tín.

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu, ông Du cho biết: “Hiện nay làng thêu Đông Cứu đang cố gắng trong việc kết hợp giữa truyền thống với hiện đại để bắt kịp thời đại công nghệ và xã hội đang phát triển. Trong làng cũng có số lượng lớn các xưởng may đầu tư máy thêu vi tính, phần nào hỗ trợ nhiều hơn cho các nghệ nhân trong việc thêu tay. Với việc áp dụng công nghệ thêu vi tính còn giúp cho giá cả của sản phẩm phù hợp hơn với thị trường, và nhu cầu của người mua bởi vì thêu tay giá cả thường cao và khách hàng sẽ khó chấp nhận".

Quyết tâm giữ vững các giá trị truyền thống để làng nghề không bị mai một, làng thêu Đông Cứu cũng chủ động trong việc thành lập nên Hội nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu, đồng thời được sự quan tâm và hỗ trợ của huyện xã nơi đây cũng mở các lớp nâng cao tay nghề cho những thợ thêu trẻ.  Các cụ cao niên và các nghệ nhân cũng tổ chức lớp dạy bảo thế hệ trẻ nhằm gìn giữ bảo tồn phát huy nghề tổ, ngoài ra cũng duy trì giỗ tổ nghề vào ngày 12/6 âm lịch hàng năm.

TIN LIÊN QUAN