Ngày 10/8, tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Với quy mô 150 gian hàng, các doanh nghiệp mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như: Na Lạng Sơn, quýt Bắc Sơn, quế Văn Yên, mật ong bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Bắc Kạn, chè Tân Cương, chè Shan tuyết Mộc Châu, chả mực Hạ Long, chuối ngự Đại Hoàng, tôm nõn, mực nhảy Vũng Áng, nước mắm đài Hải Ngư, hành tỏi Lý Sơn, rau củ quả Mộc Châu, gạo ST25, yến sào Nha Trang, trà thảo dược, đông trùng hạ thảo, nước mắm Ba Làng, nước mắm Phan Thiết…
Sau khai mạc Phiên chợ, Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 970 Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn, tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết: tại chương trình các gian hàng giới thiệu trái na đặc sản, tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ giới thiệu, quảng bá một số nông sản đặc sản khác như: hoa hồi, rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…).
Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích hàng năm trên 4.000 ha, trong đó, 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản lượng na hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn, giá trị sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng. Bình quân thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.
Sản phẩm na hiện chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, một phần được bán sang Trung Quốc, sản phẩm này còn nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm na sang các nước khác trong khu vực và thế giới.
Ngoài na nổi tiếng đang bắt đầu bước vào mùa tiêu thụ (4.000ha, sản lượng 35.000 tấn), các mặt hàng nông lâm đặc sản của Lạng Sơn còn có: Hoa hồi (35.000ha, sản lượng 16.000 tấn/năm); rau đặc sản các loại (9.000 ha: cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…); thạch đen (3.100ha); quýt (1.500ha, 5.500 tấn/năm); hồng không hạt Bảo Lâm và hồng vành khuyên (2.000ha, 7.000 tấn/năm); chè đặc sản Đình Lập; thông (126.000ha, 55.000 tấn nhựa/năm); keo, bạch đàn (50.000ha)..
Chia sẻ tại chương trình, Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Hữu Lũng hiện đang phát triển diện tích cây na hơn 1.600 ha, sắp tới dự kiến phát triển lên 2.500 ha. Tuy nhiên hiện tại về việc tiêu thụ na cũng gặp một số khó khăn, mang tính chất nhỏ lẻ. Chưa có nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, vì vậy tiêu thụ hàng năm vẫn phụ thuộc chủ yếu ở các thương lái.
Ngoài ra, ông Khánh thông tin thêm là chưa kết nối được với các đơn vị tiêu thụ, tại diễn đàn này mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kết nối, về phía UBND huyện Hững Lũng hết sức tạo điều kiện để nông sản chất lượng nhất, tốt nhất đến người tiêu dùng.
Hữu Lũng còn một thế mạnh đó là trồng cây giống lâm nghiệp, hiện nay hàng năm cũng ứng ra thị trường khoảng 400 triệu cây giống một năm, mỗi năm mang về doanh thu khoảng 200 tỷ tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, việc tổ chức Phiên chợ nông đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của Lạng Sơn và thủ đô Hà Nội.
Sự kiện cũng hết sức ý nghĩa hỗ trợ tích cực trong việc quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đặc sản vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo cơ hội kết nối hợp tác tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản.
Phiên chợ được diễn ra từ ngày 10/8 đến 16/8 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.