Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 36km về phía Nam, làng nghề làm tăm hương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã có tuổi đời ngót nghét một thế kỷ. Nghề làm tăm ở đây nhộn nhịp suốt cả năm nhưng sôi động hơn cả là vào những ngày cận tết. Ngay từ đầu làng, màu đỏ rực của chân hương như càng rực rỡ dưới ánh nắng, thu hút ánh nhìn của bất kì người khách lạ nào ghé thăm. Những bó tăm hương đỏ rực nom như “những bó hoa khổng lồ” được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình,.. báo hiệu một mùa Tết đang cận kề.
Càng đi sâu vào trong làng, không khí lao động càng trở nên khẩn trương, nhộn nhịp. Mỗi người một việc, dường như đã trở thành thói quen. Những người làm nghề ở đây không biết nghề đã có từ bao giờ, chỉ biết sinh ra đã thấy ông cha làm hương bằng thủ công truyền thống. Có lẽ vì thế mà những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều đã rất thành thạo. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, tiếng nói chuyện rì rầm lẫn trong mùi hương ngai ngái của tăm hương tạo nên một ấn tượng đặc biệt khó quên.
Đã có thâm niên hơn 40 năm làm tăm hương truyền thống, gia đình ông Nguyễn Hữu Long là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm tăm hương bằng phương pháp thủ công. Những ngày này, gia đình ông đang gấp rút chuẩn bị cho những lô hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023.
Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu. Theo ông Long, nguyên liệu chính để làm ra tăm hương là cây vầu. Vầu được dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được chọn lựa kỹ càng chứ không được cẩu thả.
Những thanh vầu nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín” sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới cạo vỏ, xếp thành bó và phơi khô. Sau đó cho vào máy chẻ và thành phẩm là những tăm hương đều tăm tắp. “Bây giờ, tất cả tămhương đều được cho vào máy, tăm hương vừa đều mà năng suất lại cao hơn hẳn” ông Long hào hứng chia sẻ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 10 âm lịch là bắt đầu có đơn đặt hàng, đó cũng là thời điểm gia đình ông Long bắt đầu “chạy nước rút”. Với hơn 10 nhân công làm việc cật lực, mỗi ngày, trung bình xưởng của ông Long sản xuất được 7-8 tấn chân hương, ngày nhiều thì được 10 tấn. Tăm hương sau khi được bó lại chắc chắn sẽ được những người thợ lành nghề nhuộm phẩm và đem phơi nắng. Mỗi mẻ hương phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày là khô, sau đó đóng gói thành phẩm và vận chuyển đi khắp các tỉnh thành.
Chân hương được nhuộm màu hồng hoặc đỏ tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách với mục đích sử dụng khác nhau. Chân hương nhuộm đỏ với kích cỡ to hơn, dài hơn được dùng để làm hương thắp trong đình, chùa. Còn loại chân hương nhuộm hồng với kích cỡ vừa vặn thường thấy được sử dụng trong gia đình vào các dịp lễ tết hay hôm rằm. Mỗi bó chân hương như thế nặng tầm 3kg.
"Yêu nghề nào thì làm nghề đấy"
Một mình đẩy chuyến xe chất đầy những bó tăm hương đỏ rực mới nhuộm màu, anh Nguyễn Văn Đạo (37 tuổi) từ từ tiến vào khoảng sân trống để bắt đầu công việc phơi tăm hương. Đôi tay dính phẩm màu nên phiếm hồng, chiếc áo trắng cũng vì thế mà lẫn cả sắc đỏ, anh cười bảo “làm nghề này có ai sạch sẽ bao giờ”.
Làm nhân công ở xưởng làm tăm hương này đã 14 năm, công việc đem đến cho anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dịp cận Tết, do đơn đặt hàng nhiều nên thường phải tăng ca, mỗi giờ tăng ca như thế được thêm khoảng 60 nghìn đồng.
Anh Đạo cho hay làm nghề này vất vả, nặng nhọc nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. “ Yêunghề nào thì làm nghề đấy, chỉ khi già yếu không còn sức thì mới không làm nữa. Nghề làm hương sẽ không bao giờ mất đi, bởi nhà nào cũng cần dùng hương cả”. Có thể thấy, tình yêu nghề đã ngấm sâu vào máu thịt của những người dân nơi đây.
Cũng là nhân công có tuổi đời lâu năm ở cái làng nghề truyền thống này, cô Phùng Thị Lựu (50 tuổi) cho biết mỗi ngày làm việc ở đây thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chiều bắt đầu từ 14 giờ đến 18 giờ. Công việc vất vả nhưng cũng đem đến cho cô thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Những người có tay nghề cao hơn, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày. Theo cô Lựu, khó khăn nhất có lẽ là công đoạn phơi hương, vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu như nơi khác mong trời “mưa thuận, gió hòa” thì ở Quảng Phú Cầu dường như người dân cần nắng hơn cả, vì có nắng mới phơi hương được.
Sau khi đã phơi khô, tăm hương được vận chuyển đến nơi se bột để làm nên thành phẩm cuối cùng. Hương được làm từ trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan... Tùy từng loại hương để người làm nghề lựa chọn nguyên liệu phù hợp.
Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào tăm hương. Còn bây giờ nhờ công nghệ hiện đại, nhiều nhà đầu tư máy móc để công đoạn này trở nên nhanh hơn, đồng thời tăng năng suất đáng kể. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.
Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên hương của các làng nghề ở Quảng Phú Cầu luôn bảo đảm thơm lâu, bền màu, đẹp mắt. Trải qua gần một thế kỉ, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ là nghề tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây.