Lạm thu trong trường học

(CL&CS) - Năm học mới 2023-2024 bắt đầu hơn một tháng, nhưng những vụ việc bức xúc về lạm thu trong nhà trường đã xuất hiện ở nhiều nơi. Vụ việc có mức lạm thu “khủng” 10 triệu đồng/học sinh ở trường Tiểu học Hồng Hà (TP Hồ Chí Minh), khi báo chí đưa tin, nhà trường đã vội vàng trả lại tiền cho phụ huynh trong đêm.

Lạm thu trong trường học. Ảnh minh hoạ.

Tiếp đó, liên tục nhiều trường có mức thu sai quy định từ vài trăm nghìn đến gần 5 triệu/học sinh ở không ít địa phương. Việc lạm thu, thu sai quy định với những hạng mục từ những “món” lớn như sửa chữa phòng học, mua máy tính cho lãnh đạo trường, cho thầy cô chủ nhiệm đến những cái nhỏ như mua phấn viết, giẻ lau bảng... Những vụ việc được công luận biết đến mới chỉ là bề nổi, còn thực tế có lẽ nhiều hơn bởi tâm lý chung phụ huynh đều sợ bị ảnh hưởng đến con mình khi nói ra vấn đề lạm thu. Tình trạng lạm thu gây nhiều bức xúc cho phụ huynh và xã hội nhưng năm nào cũng diễn ra, mặc dù năm nào ngành Giáo dục, chính quyền địa phương cũng có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo.

Nhìn thẳng thực tế, vấn đề lạm thu trong nhà trường lâu nay mới chủ yếu xử lý phần ngọn mà chưa tập trung xử lý phần gốc. Hầu hết các trường hợp bị phát hiện đều là do bức xúc của phụ huynh và báo chí nêu ra, lúc đó nhà trường mới vội vàng xử lý. Sự việc xảy ra cơ quan quản lý cấp trên mới vội vàng yêu cầu báo cáo, chỉ đạo xử lý. Phần lớn các sự việc đều được đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm trong khi lãnh đạo nhà trường không thể không biết. Người đứng đầu cơ sở giáo dục đáng lẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn thì thực tế chỉ bị xử lý mức nhẹ hơn hoặc không bị xử lý gì, khiến phụ huynh và dư luận xã hội không đồng tình.

Vậy ngành Giáo dục và chính quyền địa phương phải làm gì để cơ sở giáo dục công lập không cần lạm thu và không thể lạm thu? Đó là bố trí đủ ngân sách để các trường đủ nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động giảng dạy cơ bản theo yêu cầu của chương trình giáo dục. Đồng thời, cần quy định rõ nhà trường được thu thêm những khoản nào, mức thu bao nhiêu. Đặc biệt, cơ chế thu chi cũng cần những quy định thật rõ ràng để phụ huynh đồng thuận thực hiện. Cơ chế cần công khai, minh bạch đủ để nhà trường không tự ý tăng thêm và để phụ huynh và xã hội dễ dàng giám sát. Những trường hợp vi phạm đã được chỉ rõ cần bị xử lý nghiêm minh để xã hội thấy rõ việc đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong giáo dục.

Đóng góp, ủng hộ nhà trường là điều chính đáng nhưng sự đóng góp mang tính tự nguyện này khi bị biến tướng, ép buộc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục, đến mối quan hệ thầy- trò, gia đình- nhà trường. Ngành Giáo dục cần những giải pháp mạnh hơn, đi từ gốc vấn đề để xử lý, nếu không, chỉ xử lý phần ngọn thì tình trạng lạm thu đầu năm lại cứ “đến hẹn lại lên” như những năm vừa qua.

TIN LIÊN QUAN