Từ 1/10/2020, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm.
Hiện nay, Techcombank có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống ngân hàng trong các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 2,55%/năm, 2 tháng là 2,65%/năm, 3 tháng là 2,75%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Vietcombank cũng ở mức rất thấp. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,1%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.
Ba ngân hàng Agribank, BID và VietinBank có cùng biểu lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng là 3,3%/năm, 3 tháng là 3,6%/năm. Các kỳ hạn dài hơn như: 6 tháng, 9 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở đi là 5,8%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng hàng CB, GPBank, Oceanbank và Viet Capital Bank đều có lãi suất chạm trần 4%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Tại Vietbank, lãi suất kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng cũng chạm trần 4%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng thấp nhất thuộc về Vietcombank với 4%/năm. Kế đó là BIDV, VietinBank, Agribank đều 4,2%/năm. Ở kỳ hạn này, lãi suất cao nhất thuộc về NCB là 6,65%/năm, DongA Bank là 6,55%/năm, Viet Capital Bank là 6,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 9 tháng thấp nhất thuộc về Techcombank, Vietcombank đều 4,1%/năm; kế đó là BIDV, VietinBank, Agribank đều 4,2%/năm; MB và VPBank là 5,1%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về DongA Bank là 6,8%/năm, NCB là 6,75%/năm, Viet Capital Bank, CB đều 6,5%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất thấp nhất thuộc về VPBank là 5,3%/năm; ACB là 5,7%/năm; Agribank, BID, Vietcombank và VietinBank đều 5,8%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng có khá nhiều ngân hàng huy động lãi suất lên đến 8%/năm với điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Đứng đầu là OCB với 8,1%/năm; PVcomBank là 7,99%/năm, SCB là 7,5%/năm, HDBank là 7,25%/năm.
Tại MSB, chỉ cần 200 tỷ đồng trở lên là khách hàng có thể hưởng lãi suất 8%/năm.
Cũng với điều kiện tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất cao nhất thuộc về Nam A Bank ở kỳ hạn 24 tháng với 8,6%/năm. Tiếp theo thuộc về Viet Capital Bank là 8,5%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng; Eximbank là 8,4%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng.
Tuần qua, thị trường mở vẫn không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức xuống 0,175%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,225%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường đã bước vào quý cuối năm thường là quý cao điểm về nhu cầu vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động, tiền đồng vẫn dư thừa trong hệ thống các ngân hàng, CTCP Chứng khoán SSI dự báo lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới.
Lợi tức trái phiếu giảm sâu trên sơ cấp
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước phát hành 11.146 tỷ đồng trái phiếu ở 3 kỳ hạn dài là 15, 20 và 30 năm - tương đương 89% tổng khối lượng gọi thầu. Tương đồng với diễn biến trên thị trường tiền tệ, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ giảm sâu (từ 23-30bps) ở tất cả các kỳ hạn, về mức thấp nhất trong vòng 5 tháng gần đây.
Lượng phát hành trái phiếu Chính phủ 9 tháng đầu năm là 228.700 tỷ đồng khá cân đối với mức thâm hụt ngân sách là 138.400 tỷ đồng, chi trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ là khoảng 118.100 tỷ đồng (theo Bộ Tài chính). Mức bội chi 9 tháng 2020 hiện mới tương đương 59% dự toán bội chi cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển mới chỉ đạt 57,2% kế hoạch. Trong quý 4/2020, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với khoảng 127.000 tỷ đồng nợ gốc phải trả nên nhu cầu phát hành của Kho bạc Nhà nước sẽ vẫn cao. CTCP Chứng khoán SSI cho rằng lãi suất trái phiếu Chính phủ khó có thể giảm thêm.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở các kỳ hạn ngắn nhưng nhích tăng ở một số kỳ hạn dài. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,19%, -8 bp); 3 năm (0,39%; -14 bp); 5 năm (1,18%, -1 bp); 10 năm (2,53%, +9 bp); 15 năm (2,68%, +7 bp); 20 năm (3,06%, -4 bps); 30 năm (3,25%, 0 bp). Thanh khoản thị trường tiếp tục cao, tổng giá trị giao dịch tuần đạt 61.800 tỷ đồng (+3% so với tuần trước) trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch tổng cộng 1.500 tỷ đồng, tính ròng mua 47 tỷ đồng.