Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm

(CL&CS) - Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng TMCP lớn ở mức 6,2-6,8% đối với khách hàng tổ chức và 6,4-7% đối với khách hàng cá nhân.

Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10%/năm.

Trong tuần trước, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 15 ngàn tỷ đồng trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.

Về diễn biến lãi suất, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động trong biên độ hẹp (0,2%) và chênh lệch với lãi suất USD duy trì ở mức -5 điểm phần trăm. Thanh khoản trung bình ngày trên thị trường đạt 186 ngàn tỷ đồng, cao gần gấp 2 so với giai đoạn 2020-2021 và cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn khá tích cực sử dụng kênh liên ngân hàng nhằm tài trợ cho nguồn vốn ngắn hạn. 

Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 0,2-0,5 điểm phần trăm ở các ngân hàng TMCP ở các kỳ hạn và đưa mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức về khoảng 6,2-6,8% cho kỳ hạn 12 tháng - giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giao động từ 6,3% cho nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước, đến 6,4-7% cho nhóm ngân hàng TMCP lớn và vào khoảng 7,2-7,6% cho nhóm còn lại.

Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và do vậy việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động là điệu kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Trên thực tế, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (SSI Research) cũng quan sát thấy tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7, tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt.

Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.      

Tỷ giá USDVND giao dịch trong biên độ hẹp

Trên thị trường ngoại hối quốc tế, tâm điểm đáng chú ý là thông tin về chỉ số CPI toàn phần và CPI cơ bản của Mỹ trong tháng 7. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần tăng 3,2%, cao hơn mức tăng 3,0% của tháng 6 song vẫn thấp hơn so với mức tăng 3,3% theo dự báo và CPI cơ bản tăng 4,7%, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,8% của tháng 6. Xem xét các chỉ số giá thành phần, yếu tố góp phần đẩy lạm phát tháng 7 là nhóm lương thực thực phẩm và năng lượng, trong khi đó nhóm giá dịch vụ lõi ghi nhận sự chậm lại.

Sau các thông tin kinh tế trên và đặc biệt là thông tin về lạm phát, công cụ của CME dự báo có 88,5% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tuy nhiên xác suất không tăng lãi suất giảm xuống 62% cho kỳ họp tháng 11 và 58% cho kỳ họp tháng 12. Đồng USD đã có một tuần tương đối tích cực và tăng 0,8% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như JPY -2,24%, EUR -0,48% hay GBP -0,45%.

Trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USDVND giao dịch ổn định quan vùng VND 23.750 cho tỷ giá liên ngân hàng và VND 23.900 cho tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tỷ giá tiếp tục bật tăng trở lại trong phiên đầu tuần này, khi mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm.

SSI Research nhận định: Việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý 3 nhưng nguồn cung ngoại tệ tích cực (cán cân thương mại 7 tháng đầu năm thặng dư hơn 16 tỷ USD) được kỳ vọng sẽ giúp VND ổn định trở lại về cuối năm.

TIN LIÊN QUAN