Trên cơ sở đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định về cơ bản phương thức tổ chức như năm 2021, được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GD&ĐT và các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi.
Cụ thể, thí sinh thực hiện thi 3 môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng 2 bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn ngữ văn thi tự luận, đề thi các môn khác dạng trắc nghiệm. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 2 bài độc lập là toán và ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.
Theo quy định mới, tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy thí sinh không còn đăng ký dự thi trên giấy như mọi năm. Tuy nhiên, nhóm đối tượng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở GD-ĐT để nhập dữ liệu lên hệ thống.
Bộ GD&ĐT cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (nếu có).
Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi…