Không máy móc với “3 tại chỗ”

(CL&CS) - Trong khi chưa tiêm hết vaccine cho người lao động thì phương án nào đề vừa chống dịch tốt vừa duy trì sản xuất. “3 tại chỗ” có phải là lựa chọn tốt? Đến nay không có câu trả lời chung cho các doanh nghiệp. Để duy trì sản xuất 3 tại chỗ, cần có một quy trình phối hợp công tư và cần có các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0.

Thực hiện “3 tại chỗ” cũng không ra được sản phẩm hoàn chỉnh  

Mục tiêu thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, ngủ tại trong nhà máy) là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng tiêu chuẩn nào cho nơi ăn, ở là đảm bảo an toàn chống dịch, và để lo được nơi ăn, ở này với đa phần doanh nghiệp là “khó có thể”.

Bắc Ninh, Bắc Giang đã thành công, dù đã trải qua những tháng ngày chống dịch đầy cam go nhưng với mô hình “3 tại chỗ” , sản xuất được duy trì chuỗi cung không đứt gãy.

Sản xuất “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Hiện nay ở phía Nam nhiều doanh nghiệp đang triển khai “3 tại chỗ” khá ổn. Ở những doanh nghiệp này, sản xuất ổn định và công nhân yên tâm khi ở trong doanh nghiệp an toàn hơn môi trường bên ngoài đang tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh.  

Nhưng có tới 80-90% doanh nghiệp các ngành gỗ dệt may, gia dày, điện tử chấp nhận đóng cửa vì không tổ chức được “3 tại chỗ”. Để thực hiện được “3 tại chỗ”, cũng không dễ dàng gì.

Chia sẻ về việc chuẩn bị cho “3 tại chỗ”, ông Phạm Ngọc Phước – Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture cho biết phải trải qua 4 “ải” lớn” mà chỉ có 48 tiếng đồng hồ. Thứ nhất, là sự đồng thuận. Sau 4 lần lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi mới có 65% công nhân đồng thuận. Thứ hai, test COVID-19 đầu vào, nếu có F0 coi như “nghỉ cuộc chơi; Thứ ba, lo chỗ ăn uống, ngủ nghỉ; Thứ tư, phải lo nguyên vật liệu đủ cho sản xuất”.

Ông Lê Xuân Tân - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) chia sẻ để thực hiện “3 tại chỗ”  với 300 công nhân doanh nghiệp này đã xây 55 nhà tắm, thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ. Chỉ riêng chi phí phun khử khuẩn hàng ngày chi phí đã rất lớn.

Để duy trì “3 tại chỗ”, công nhân tham gia “3 tại chỗ”  đều được xét nghiệm sàng lọc, trong quá tình làm việc cách vài ngày test nhanh lại một lần. Chi phí cho test nhanh cũng là một khoản đáng kể.

Để thực hiện “3 tại chỗ”  phải đầu tư, chi phí như vậy nên với nhiều  doanh nghiệp quy mô lớn, nhiều công nhân việc tổ chức ơi ăn, ngủ cho công nhân tại nơi sản xuất nhưng bảo đảm đủ giãn cách tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch là không thể.

Vì thế hơn 90% các doanh nghiệp trong các ngành Dệt May, Da - Giày, Điện tử và chế biến gỗ đã chấp nhận phải dừng sản xuất vì không thể tổ chức được “3 tại chỗ” . Đáng chú ý  là 4 ngành này đang tạo ra 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 8 triệu việc làm. 

Nhưng ngay cả với những doanh nghiệp đang ổn với “3 tại chỗ”  thì mô hình này cũng không hiệu quả. Thực hiện “3 tại chỗ”  là phải bảo đảm giãn cách, vì thế phần lớn chỉ sử dụng 30-40% công nhân. Như thế cho dù vẫn sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp không ra được sản phẩm.

Gần đây lại thêm tình trạng nhiều tại nhiều doanh nghiêp đang thực hiện “3 tại chỗ”  đã có nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 tăng lên nhanh chóng chỉ trong vài ngày, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP.HCM, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương...) cho biết.

“Ở nhiều doanh nghiệp rất lúng túng khi trong nhà máy có F0. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng  hướng dẫn quy trình xử lý khi có F0 trong nhà máy, từ việc cách ly F0 thế nào, các tổ đội, phân xưởng sản xuất xử trí ra sao…”, Lãnh đạo Công ty Long Việt nói.

Sự lúng túng, bất cập của mô hình  “3 tại chỗ”, khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ đã được Ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân (Ban IV)  đề cập đến trong văn bản khẩn gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2021, bà Phạm Ngọc Thủy – Chánh văn phòng Ban nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết. 

  “3 tại chỗ” cần một quy trình phối hợp công - tư

Và vấn đề đặt ra là “3 tại chỗ” có phải là lựa chọn tốt? Đến nay không có câu trả lời chung cho các doanh nghiệp. Rõ ràng mô hình “3 tại chỗ”  đã có hiệu quả ở nơi này, nhưng lại kém hiệu quả ở nơi khác và cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh ở nhiều nơi.

 “3 tại chỗ” cũng là một mô hình tốt để duy trì sản xuất tại thời điểm và tại các địa phương dịch chưa bùng phát mạnh. Nhưng khi dịch bùng phát quá mạnh rồi thì mô hình lại là phản tác dụng khi tập trung quá nhiều người một chỗ mà không có phương án y tế kèm theo”, ông Nguyễn Phúc Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương phát biểu.

Nơi ở của công nhân “3 tại chỗ”

Với  tình trạng quá tải y tế và những ca F0 tăng nhanh khi thực hiện “3 tại chỗ” ở nhiều nhà máy diễn ra cho thấy việc cố gắng đồng thời 2 mục tiêu là cực kì khó khăn và làm nhiều doanh nghiệp kiệt quệ.

Ban 4 đề nghị, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần có các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy  “3 tại chỗ” và thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh.

Việc thực hiện “3 tại chỗ” hết sức cần một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.

 Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch còn doanh nghiệp yên tâm vận hành và không bị rơi vào khủng hoảng đã xảy ra  một số nhà máy trở thành “chùm F0” trong mấy ngày qua.

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các Hiệp hội đề xuất việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

  • Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì rủi ro, khả năng bùng phát bệnh tạicác nhà máy “3 tại chỗ” rất cao.

 Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch diễn ra mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không nên áp dụng máy móc mô hình “3 tại chỗ”.

"Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TP.HCM, “3 tại chỗ” ở TP.HCM cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác. Phải đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, đề nghị cơ quan y tế địa phương lập quy trình ứng phó chi tiết để làm căn cứ cho cả chính quyền và doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). 

TIN LIÊN QUAN