Khi thông tin về số ca nhiễm vẫn tăng lên từng ngày và xuất hiện thêm tên những tỉnh có ca nhiễm mới, nhiều địa phương đã áp dụng những biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho địa phương nhưng đáng tiếc có những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Có lẽ lúc đưa ra những quyết định này, lãnh đạo các địa phương đó chưa thể hình dung hết những hệ lụy của những quy định này.
Điển hình là bản hỏa tốc của UBND tỉnh Đồng Nai sáng ngày 4/6/202 yêu cầu từ 0h ngày 5/6, tất cả những người từ TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) về hoặc đến tỉnh Đồng Nai sẽ phải cách ly y tế 21 ngày. Đồng Nai cho rằng đây là biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh ở TP.HCM
Với tình hình dịch bệnh lan rộng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang, thì việc Đồng Nai nâng cao các biện pháp phòng chống dịch để để bảo vệ 3,2 triệu người dân trong tỉnh và cũng là để bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp trong tỉnh là điều dễ hiểu. Nhưng có lẽ khi ra văn bản này Đồng Nai chưa hình dung đến hệ lụy của nó.
Quy định này của Đồng Nai đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cả TP.HCM và Bình Dương, gây nên xáo trộn đối với hàng ngàn người và rất nhiều doanh nghiệp, làm gián đoạn nguồn nguyên vật liệu để sản xuất và ảnh hưởng cả tới việc xuất khẩu hàng đi.
Chỉ tính ở TP.HCM có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong số này chủ yếu là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Đồng Nai là trung tâm của các khu công nghiệp, là cửa ngõ chung chuyển hàng hóa của Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh. Văn bản hỏa tốc của Đồng Nai khiến vận chuyển hàng hóa hàng hoá đi từ TPHCM qua Đồng Nai tới Cái Mép - Thị Vải và chiều ngược lại bị gián đoạn đột ngột làm gián đoạn nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp và ảnh hưởng tới tiến độ đưa hàng hóa xuất khẩu.
Quy định này cũng ảnh hưởng đến chính Đồng Nai. Đồng Nai là một tỉnh có kim ngạch xuất nhập khẩu rất cao, đứng thứ 6 trong cả nước. Trong đó một tỷ trọng lớn trong số hàng hóa xuất nhập khẩu của Đồng Nai thông qua cảng Cát Lái nằm trên địa bàn TP.HCM.
Và rất nhiều nhà máy của các địa phương này có mối quan hệ khăng khít trong chuỗi cung ứng, sản phẩm của nhà máy ở địa phương này là đầu vào của nhà máy ở địa phương kia.
Trước sự phản hổi của doanh nghiệp, của các hiệp hội doanh nghiệp và của UBND TP.HCM. Chiều ngày 5/6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản điều chỉnh, trong đó bỏ yêu cầu cách ly 21 ngày và yêu cầu phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch.
Các doanh nghiệp cho rằng với văn bản điều chỉnh này mới chỉ gỡ được về người lao động còn vấn đề hàng hóa, nguồn nguyên liệu chưa được tháo gỡ và như vậy có khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Câu chuyện của Đồng Nai nhắc lại câu chuyện dịch bệnh lan nhanh lan rộng trong tỉnh và câu huyện hàng hóa, nông sản bị dồn ứ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do biện pháp chống dịch của Hải Phòng, ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp khó lường, khó nói trước được. Các địa phương cũng không nên lơ là chủ quan, phải bám sát tình hình dịch bệnh trong cả nước để chủ động có biện pháp ngăn chặn không cho Covid-19 xâm nhập. Các địa phương cần phải có sẵn các kịch bản phòng chống dịch để chủ động sẵn sàng kích hoạt kịch bản lúc tình huống xấu xuất hiện.
“Phòng dịch ở mức cao nhất nhưng đòi hỏi phải hài hòa với phát triển kinh tế, phải sáng suốt, không hoảng hốt. Nếu đưa ra các biện pháp cứng nhắc, cực đoan sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng đến sản xuất quy mô lớn”, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phát biểu.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, chống dịch cần phải tỉnh táo, bình tĩnh, không hoang mang, chống dịch là thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo.
Để tránh tình trạng dựng rào ngăn sông thì bên cạnh các kịch bản y tế cho con người thì phải có thêm các kịch bản cụ thể đảm bảo duy trì các chuỗi cung ứng/sản xuất, đặc biệt các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ đạo.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV – Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết hàng hóa lớn xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh xảy ra.
“Việc này thời gian qua vẫn là tự thân các doanh nghiệp phải ứng phó nên rất lúng túng, trong bối cảnh mệnh lệnh và yêu cầu hành chính các địa phương còn rất khác nhau”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết.
Lãnh đạo các tỉnh liên quan cần trao đổi để thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý giao thương để bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các bộ liên quan cũng cần có chỉ đạo, hướng dẫn để các tỉnh vẫn kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không đưa ra các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương bị tắc nghẽn, gián đoạn.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)