Khơi thông tín dụng tiêu dùng, xóa sổ tín dụng đen: Cần nỗ lực từ nhiều phía

(CL&CS) - Giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, phòng chống tín dụng đen, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người yếu thế, tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, để khơi thông tín dụng tiêu dùng, xóa sổ tín dụng đen, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Tín dụng tiêu dùng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Nói về vai trò của tín dụng tiêu dùng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động tín dụng tiêu dùng mang lại hiệu quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, thông qua cho vay tiêu dùng sẽ kích người dân mua sắm, tiêu dùng; góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thuận lợi. Khi thị trường hàng hóa phát triển, có tác động ngược trở lại kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng tiêu dùng cũng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, về phòng chống tín dụng đen, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người yếu thế.

"Hoạt động tín dụng tiêu dùng có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nói.

Quan trọng và nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển của tín dụng tiêu dùng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, dẫn đến tình trạng "chưa bao giờ doanh nghiệp cho vay tín dụng tiêu dùng khó như hiện nay". Ngoài những yếu tố khách quan do khó khăn chung của nền kinh tế, vấn nạn tín dụng đen, ý thức của người vay đang khiến các công ty tài chính "nản lòng". Bà Olena Khlon - Phó Tổng Giám đốc thường trực SHB Finance - nhận định: "Năm nay là một trong những năm khó nhất, chúng tôi đang đối mặt nhiều khó khăn, phải tìm ra giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm".

Ông Marcin Figlus - Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FECredit) cũng thừa nhận doanh nghiệp này đang gặp phải những khó khăn trong hoạt động cho vay tín dụng như người vay không thể chi trả, đối tượng cho vay không đúng luật pháp, đối tượng bùng nợ vay ngày càng tăng...

“Trong khi các tổ chức tín dụng đen sử dụng chiêu thức bất hợp pháp để tấn công người vay, thì nhân viên của công ty chính thống lại bị tấn công từ chính người vay, bị đưa thông tin lên Facebook và các phương tiện truyền thông khác. Đáng tiếc khi các nhân viên thu hồi nợ chính thống không được cư xử đúng pháp luật, từ chính người vay nợ, trong bối cảnh hoạt động bùng nợ bị dấy lên”, ông Marcin Figlus bày tỏ.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét, hiện tượng bùng nợ khiến người dùng bị mất niềm tin vào các tổ chức tài chính. Nó vừa khiến lượng người bùng nợ có thể ngày càng tăng, đồng thời làm suy giảm uy tín của các tổ chức tài chính cũng như hoạt động tín dụng.

Giải pháp căn cơ xóa sổ tín dụng đen

Để giải quyết căn cơ vấn nạn tín dụng đen, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, cần khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành Ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thì cho rằng, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để bảo vệ quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Đồng thời, cần xây dựng khung khổ pháp lý để nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì trả nợ.

Cùng với những giải pháp căn cơ từ bên cho vay và cơ quan quản lý nhà nước, ông Leos Gregor - Giám đốc quản trị thẩm định tín dụng và phòng chống gian lận Home Credit cũng cho rằng, cần phổ cập kiến thức tài chính cho người đi vay.

"Việc phổ cập kiến thức tài chính cho khách hàng đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm giải thích cụ thể cho khách hàng cần trả bao nhiêu, ở đâu, khi nào nhằm hỗ trợ họ một cách kịp thời", ông Leos Gregor nói.

Khẳng định các chế tài với tội cho vay nặng lãi còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe, thượng tá Lê Duy Sâm - Phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên nghiên cứu kỹ quy định và không nên đồng ý cung cấp các thông tin cá nhân để vay vốn tại các tổ chức cho vay nặng lãi, vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề sau này, thậm chí, vô tình tiếp tay cho tín dụng đen.

Thiếu tướng Trần Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành để xóa sổ tệ nạn tín dụng đen. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất. Không chỉ truyền thông về chính sách mà còn cần truyền thông về hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội, cũng như nhiều hệ lụy khác, đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen.

"Chẳng hạn chính sách cho những người mãn hạn tù vay tài chính để làm ăn. Hay chính sách hỗ trợ cho công nhân trong các trường hợp rủi ro, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp… để họ không phải vay tín dụng đen", Thiếu tướng Trần Thanh Phong gợi ý.

Về phía các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, Phó cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an cho rằng, các chính sách tín dụng và gói sản phẩm cũng cần linh hoạt hơn và quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng yếu thế. Việc hỗ trợ cho các đối tượng này sẽ góp phần lớn thu hẹp "đất" của hoạt động tín dụng đen.

TIN LIÊN QUAN