Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, từ cuối năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy đã xảy ra 64 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 6.310m. Trong số đó, có 59 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 5.175m chưa được triển khai xử lý.
Ước tính kinh phí để xử lý 59 điểm sạt lở này khoảng hơn 160 tỷ đồng, vượt quá nguồn ngân sách cấp huyện. Do đó, các địa phương đã đề xuất hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh.
Dựa trên đề xuất từ các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 68,424 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để các địa phương thực hiện xử lý khẩn cấp 25 điểm sạt lở với chiều dài 2.820m.
Đối với các điểm sạt lở còn lại (tổng chiều dài khoảng 2.355m, kinh phí ước tính là 92,33 tỷ đồng), các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Thành phố Cai Lậy sẽ tổ chức theo mức độ khẩn cấp để sắp xếp bố trí nguồn ngân sách cấp huyện để xử lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh rằng, các điểm sạt lở này cần được xử lý ngay nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý sớm những nơi sạt lở còn giúp đảm bảo an toàn cho các vườn cây ăn trái đồng thời phối hợp giải quyết vấn đề ngập lụt và triều cường trong thời gian sắp tới.
Được biết, hiện trên địa bàn các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và huyện Chợ Gạo có 5 công trình xử lý sạt lở với chiều dài 1.135m, kinh phí 40,12 tỷ đồng đã được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng (thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh tại Công văn số 5058/UBND-KT ngày 22-7-2023).
Tuy vậy, do quy mô của các công trình sạt lở khá lớn, ngân sách cấp huyện hiện chưa đủ để bố trí kinh phí thanh quyết toán. Vì lý do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh hỗ trợ 40,12 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để các địa phương thực hiện thanh quyết toán các công trình này.
Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2.510,61km2. Với vị trí địa lý khá thuận lợi khi cách TP. HCM 70km về phía Nam và cách TP. Cần Thơ 100km về phía Bắc, Tiền Giang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP. HCM cả về đường thuỷ lẫn đường bộ.
Trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang nổi bật với nền kinh tế mạnh và tốc độ tăng trưởng cao, có mật độ kinh tế (tính theo GRDP/km2) đáng kể, đứng thứ 2 trong vùng (sau Cần Thơ), và thu NSNN/người cao nhất thứ 7 trong khu vực.