Sản phẩm kém chất lượng
Theo chị T.K. trong năm 2022, chị mua chiếc điện thoại của Samsung trị giá gần 50 triệu tại một hệ thống đại lý ở Hà Nội nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng, chiếc máy điện thoại của chị bắt đầu chập chờn và lỗi màn hình.
Chiếc điện thoại Samsung của chị T.K. bị lỗi liên tục
Chị T.K. cho biết, "thấy máy hỏng cứ báo lỗi và đặc biệt màn hình đen tối màu, tôi không thể sử dụng được sản phẩm. Mặc dù, tôi đã nhiều lần liên hệ với phía tổng đài của Samsung để phản ánh chất lượng sản phẩm nhằm mong muốn phía Samsung lắng nghe ý kiến khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm và đưa ra những lời giải thích xác đáng về vấn đề tôi đã phản ánh. Tuy nhiên sau 2-3 ngày đại diện Samsung có báo lại với tôi do đây là rủi ro không mong muốn, phía Samsung mong muốn khách hàng thông cảm và chia sẻ với khách hàng, phía samsung xin được hỗ tặng khách hàng Voucher 2,5 triệu đồng để hỗ trợ chi phí sửa chữa màn hình với giá 8 triệu đồng, tuy nhiên khách hàng đã từ chối đề nghị từ phía Samsung”.
Màn hình của sản phẩm không được bình thường và xuất hiện các vệt tối đen
Thất vọng về chất lượng, dịch vụ của Samsung quá kém, chị T.K. còn cho biết thêm: “Hiện nay, không chỉ riêng bản thân tôi dùng sản phẩm của Samsung thấy bức xúc bởi máy không hoạt động được bình thường mà những người bạn của tôi cũng bày tỏ sự lo ngại, ngán ngẩm khi dùng những sản phẩm của Samsung nhưng chất lượng không được như mong muốn, ảnh hưởng quyền lợi của người dùng. So với các hãng khác thì chất lượng của Samsung quá kém”.
Trước những thông tin phản ánh của khách hàng, PV Chất lượng và cuộc sống đã liên hệ với Công ty Samsung để có những thông tin đa chiều truyền tải tới bạn đọc, mặc dù PV đã cung cấp cụ thể thông tin số SERI, số IMEI sản phẩm chiếc máy điện thoại mà khách hàng phản ánh dịch vụ, chất lượng kém, tuy nhiên Samsung “có vẻ làm ngơ”, “bỏ ngỏ” với những ý kiến phản hồi lại với báo chí bằng cách trả lời "thông tin chị (PV) cung cấp trước đó Samsung đã có ghi nhận lại, Samsung đang kiểm tra và sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất”.
Thông tin cụ thể của sản phẩm bị lỗi nhưng đến nay Samsung không hề có động thái để bảo vệ quyền lợi khách hàng
Mặc dù phóng viên ( PV) đã liên hệ kết nối tới Samsung để mong có thông tin chính thức từ bộ phận trực tiếp phụ trách nhưng phía Samsung nói rằng PV cứ liên hệ SĐT tổng đài. Theo đó, SĐT 0889128xxx phản hồi lại với phóng viên là SĐT này chỉ gọi ra ngoài Hà Nội, còn khách hàng hoặc ai gọi vào thì sẽ không gọi được. Dù phóng viên đã liên hệ với tổng đài viên nhưng cũng không có hồi âm. Như vậy, đến nay đã thời gian dài trôi qua nhưng phía Samsung cũng không có thông tin chính thức.
Trước đây, thông tin với báo chí cũng đã có rất nhiều trường hợp khách hàng buồn và thất vọng khi sử dụng sản phẩm của Samsung có chất lượng, dịch vụ kém. Trường hợp của anh Sơn (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã từng phản ánh về việc có mua một chiếc điện thoại Samsung chính hãng tại siêu thị điện máy Xanh. Theo quy định bảo hành, máy được bảo hành 1 năm nhưng chỉ 5 tháng sau khi sử dụng, anh Sơn cho biết, điện thoại của anh bắt đầu xuất hiện hiện tượng có một chấm loang nhỏ, sau dần chấm loang đó loang tím toàn màn hình trong khi không có một chút tác động ngoại lực nào nhưng Samsung vẫn khẳng định là lỗi khách hàng và không bảo hành sản phẩm.
Những thông tin trên đây là số ít trong rất nhiều trường hợp khách hàng “phẫn nộ” trước sự thiếu trách nhiệm trong cách giải quyết vấn đề cũng như quy định, chính sách bảo hành của Samsung gắn với quyền lợi của người tiêu dùng.
Phó chủ tịch Samsung từng đưa ra lời xin lỗi khi kết quả kinh doanh thất vọng
Samsung, vốn là nhà sản xuất bộ nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đang tụt lại phía sau trong lĩnh vực chip nhớ dùng cho AI. Trong tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch Samsung, Jun Young-hyun, người kiêm giám đốc Bộ phận Giải pháp Thiết bị, vừa đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi, sau khi dự báo lợi nhuận quý III/2024 của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc gây thất vọng. Samsung Electronics cho hay lợi nhuận quý III của công ty sẽ thấp hơn kỳ vọng của thị trường và xin lỗi vì hiệu suất đáng thất vọng khi "gã khổng lồ" công nghệ này tụt hậu so với các đối thủ trong việc cung cấp chip cao cấp cho Nvidia trên thị trường AI đang bùng nổ.
Được biết, Samsung hoạt động kinh doanh chip AI với một khách hàng lớn chưa xác định đã bị ảnh hưởng do chậm trễ, trong khi các đối thủ sản xuất chip Trung Quốc lại tăng nguồn cung chip thông thường, góp phần làm giảm doanh thu từ chất bán dẫn. Vốn là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới trong ba thập kỷ nhưng Samsung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong cả chip thông thường và chip tiên tiến.
Các nguồn tin cho biết Samsung Electronics có thể công bố một cuộc cải tổ ngay trong thời gian tới, tập trung nhân sự vào mảng kinh doanh bộ nhớ thay vì vào các mảng thiết kế chip và đúc chip không sinh lợi. Để làm được điều này, Samsung Electronics có thể thay thế một số lãnh đạo cấp cao, bao gồm Giám đốc kinh doanh bộ nhớ Lee Jung-bae, Giám đốc đúc chip Choi Si-young và Giám đốc thiết kế chip Park Yong-in.
Động thái này là hệ quả tất yếu của kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Samsung Electronics trong quý III năm nay, khi bộ phận bán dẫn báo cáo lợi nhuận hoạt động 3,86 nghìn tỷ won (tương đương 2,8 tỷ đô la Mỹ), thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Kết quả kinh doanh không như mong muốn làm dấy lên lo ngại Samsung Electronics đã mất đi khả năng cạnh tranh trong việc cung cấp chip nhớ băng thông cao (HBM) cho các nhà sản xuất bộ xử lý trí tuệ nhân tạo.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Luật 2023 đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật 2023 bổ sung thêm 1 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 Điều lên 80 Điều.
Trong 10 điểm mới nổi bật của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023, có điểm mới thứ 6, cụ thể:
Sáu là, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
Luật 2023 bổ sung Quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
Để bảo vệ toàn diện quyền lợi người tiêu dùng, Luật 2023 bổ sung Quy định về trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.