Không ai rõ nghề khắc dấu có tự bao giờ, chỉ biết rằng những con dấu xuất hiện nhằm xác thực giấy tờ hay niêm phong tài liệu, thư từ quan trọng... Thời thế thay đổi, từ khi du lịch mở cửa thì những con dấu này không chỉ phục vụ cho dân văn phòng, công sở mà còn trở thành vật kỉ niệm, quà sinh nhật, quà lưu niệm... để tặng người thân, bạn bè. Ở Hà Nội, nghề khắc con dấu đã trở thành một trong rất nhiều nghề thủ công khu phố cổ.
Nghề khắc dấu đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và sự sáng tạo tinh tế, trong khi đó người chơi dấu phải đầu tư công sức, tâm huyết và chiều sâu tâm hồn để tạo ra ý nghĩa riêng, sự độc đáo và mới lạ cho con dấu của mình. Người khắc dấu phải kiên trì lắm, chuyên tâm lắm mới có thể tạo ra một con dấu như ý, một giây sơ suất cũng có thể khiến nét khắc kém duyên.
Ở Hà Nội, nghề khắc con dấu đã trở thành một trong rất nhiều nghề thủ công khu phố cổ.
Nhắc đến con dấu gỗ truyền thống, người dân phố cổ Hà Nội có thể giới thiệu ngay ông Phạm Ngọc Toàn - người đàn ông dành hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công trên phố Hàng Quạt. Khắc dấu thủ công là một nghề lâu đời của Hà Nội, ông Toàn cũng kế nghiệp từ đời trước. Từng là một nhà giáo, ông Toàn từ bỏ sự nghiệp giảng dạy để gắn bó với nghề khắc dấu thủ công từ năm 1993 đến nay.
Ông Toàn đeo một chiếc kính khá dày, đôi bàn tay uyển chuyển đưa từng nét dao trên mặt con dấu, tỉ mỉ khắc từng nét chữ theo nguyên mẫu, vừa làm ông vừa kể: “gỗ thừng mực là loại thích hợp nhất để làm con dấu, có đặc tính nhẹ, mịn và thấm mực đều. Tôi thường đặt sẵn các phôi gỗ, khi có khách mua con dấu sẽ mài nhẵn bề mặt và khắc hình lên. Việc khắc con dấu đòi hỏi người thợ sự tưởng tượng, một chút khéo léo, tập trung cao độ”.
Ngày xưa, những họa tiết phổ biến trên các con dấu là họa tiết cổ truyền như chữ triện, hình ảnh 12 con giáp, các bản khắc tranh thờ, tranh dân gian và khuôn làm bánh thủ công. Ngoài ra, nghệ nhân còn tự mày mò tạo ra những họa tiết độc đáo mới lạ làm phong phú thêm cho kho tàng con dấu cổ của Việt Nam.
Không chỉ có người dân Hà Thành yêu thích các con dấu được trạm khắc thủ công, mà nhiều du khách nước ngoài cũng tới tìm hiểu về nghề này
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, họa tiết trên con dấu trở nên đa dạng hơn. Người thợ khắc dấu làm ra hàng trăm con dấu đủ hình dạng kích cỡ với đủ mọi họa tiết từ chim muông, cây cỏ đến con người với mức giá 70.000 – 100.000 đồng. Gần đây, các cửa hàng còn nhận làm thêm con dấu in hình chân dung, phong cảnh với giá cao gấp bốn đến năm lần các họa tiết thông thường (khoảng 250.000 - 350.000 đồng). Loại dấu chân dung này đòi hỏi phải có tay nghề cao, cần nhiều thời gian để hoàn thiện nên giá sẽ đắt hơn. “Những hình đơn giản chỉ cần khắc trong 15-20 phút là xong. Nhưng có những mẫu đặt cầu kì, phải mất cả tuần mới xong“, ông Toàn nói.
Bạn Nông Trang (Cao Bằng) chia sẻ: “Mình lên phố cổ Hà Nội nhiều rồi nhưng đây là lần đầu mình dừng lại để nhờ người nghệ nhân tạo cho một con dấu của chính mình. Mỗi con dấu đều mang trong mình một nét đẹp riêng, đó chính là nét đẹp văn hóa Việt Nam xưa mà mình nghĩ thế hệ chúng ta ngày nay nên trân trọng”.
Người thợ khắc dấu làm ra hàng trăm con dấu đủ hình dạng kích cỡ với đủ mọi họa tiết từ chim muông, cây cỏ đến con người với mức giá 70.000 – 100.000 đồng.
Không chỉ có người dân Hà Thành yêu thích các con dấu được trạm khắc thủ công, mà nhiều du khách nước ngoài cũng tới tìm hiểu về nghề này và mang nó đi tới những vùng trời xa trên toàn thế giới. Khi cầm được món quà của đất Kinh Kỳ trên tay, họ không khỏi bàng hoàng, thán phục trước cái hồn Việt giản dị chân thật đượm trong từng nét khắc.
Theo ông Toàn, với những người muốn theo học sẽ mất khoảng 2 năm đào tạo để thạo nghề. Người có năng khiếu sẽ học nhanh và làm được sản phẩm cầu kỳ hơn. Hy vọng rằng, sẽ có người của thế hệ trẻ nhận ra giá trị mà cha ông đã gìn giữ, âu yếm và phát triển nó để rồi không còn nỗi thầm thương con dấu gỗ Hà Nội len lỏi trong lòng những người thợ khắc dấu già.