IPS-C: Dự án 36,3 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đang nhận hồ sơ đăng ký

(CL&CS) - IPS-C –dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam với tổng kinh phí 36,3 triệu USD sẽ nhận hồ sơ đăng ký theo các đợt: Đợt 1: 18/1/2022- 31/3/2022; Đợt 2: 1/5-30/6/2022; Đợt 3: 15/8-15/10/2022.

Với tổng kinh phí 36,3 triệu USD và thời gian thực hiện trong 5 năm, kết thúc vào tháng 12/2025, IPS-C là dự án hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ nước ngoài Nam có tính chất tổng thể nhất, quy mô lớn nhất và bao trùm nhất cho mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Dự án vừa được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động ngày 18/1/2022.

IPS-C tập trung vào tăng cường năng lực cho các DN tiên phong và doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, bao gồm cả doanh nghiệp do nữ và các đối tượng yếu thế làm chủ.

Trong buổi tọa đàm “Hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân trong tình hình mới” giới thiệu  chi tiết dự án IPS-C tới các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)  cho rằng khu vực tư nhân của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu: bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng và đủ năng lực để đổi mới, nhận biết và nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới.

Phần nhiều các doanh nghiệp chưa biết số hóa bắt đầu từ đâu, chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào.

Và nếu khu vực này được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.

Nhưng, thực tế cho thấy, nhận thức về vai trò của KTTN đã có sự thay đổi rõ rệt, tạo ra những cú hích lớn cho khu vực này phát triển. Tuy nhiên, “phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, từ nhận thức đến hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển còn một khoảng cách dài”, ông Trung nói.

Phó cục trưởng Nguyễn Đức Trung kỳ vọng Dự án IPS-C sẽ không chỉ góp phần quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang phải đối diện, mà còn tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tiên phong, doanh nhân Việt Nam tự tin và chủ động vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, giúp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Để triển khai Dự án hiệu quả và thành công, tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hưởng ứng và tham gia tích cực cùng Dự án trong thời gian tới”, Phó cục trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu.

Cảm nhận chung của các doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khi được giới thiệu về dự án này là dự án sẽ mang lại những hỗ trợ thiết thực, dài hơi.

“Các tiêu chí của dự án khá rõ  ràng, thời gian của dự án 5 năm là đủ dài chứ không ngắn như nhiều dự án, chương trình đã triển khai. Thời gian dự án mà ngắn thì không kịp mang lại hiệu quả”, ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA).

“Chúng tôi hoan hỷ tiếp nhận và sẽ đồng hành cùng dự án”. Phó Tổng thư ký của Hawa cho hay.

Doanh nghiệp và các hiệp hội kỳ vọng ở dự án khá nhiều, đặc biệt là kỳ vọng ở những sự hỗ trợ rất thiết thực và cụ thể.

96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ngành gỗ cũng phần lớn là doanh ghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới thành lập thành lập rất bỡ ngỡ khi bước vào thị trường quốc tế, lại gặp áp lực cạnh tranh lớn. Vì vậy doanh nghiệp rất cần những hỗ trợ như hỗ trợ của dự án này, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập.

Đề xuất sự hỗ trợ cụ thể từ dự án, ông Thiêm cho biết, để mở rộng thị trường doanh nghiệp rất cần thông tin. Thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin về những rào cản có thể gặp phải khi xuất khẩu và thông tin về khuynh hướng thị trường.

Một sự hỗ trợ mà nhiều doanh nghiệp mong đợi đó là hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện số hóa, như gói 2 của dự án này. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang không biết bắt đầu từ đâu, ông Thiêm cho hay.

Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nêu lên. Không biết bắt đầu thế nào, chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào… Đó là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và hy vọng dự án sẽ giúp họ giải tỏa những khó khăn này, đại diện của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam VEIA, Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết.

Kết nối giao thương, hỗ trợ maketing, hỗ trợ khảo sát thị trường, nâng cao năng lực quản trị… là những vấn đề doanh nghiệp mong được hỗ trợ.

Điện tử là ngành hàng tiên tiến nhất, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trong ngành rất kém về marketing. Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên VEIA cho biết.

Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mong muốn lại mong dự án có thể kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tập trung các nước trong khu vực trước, mục tiêu bán được càng nhiều hàng càng tốt. Sự hỗ trợ này rất cần thiết khi mà nhiều đơn hàng ra nước ngoài bị huỷ bỏ, không kết nối được thị trường quốc tế, trong khi sức mua trong nước kém, hàng hoá sản xuất nhiều nhưng ko bán được.  

Các chuyên gia của dự án này cho biết, dự án sẽ cung cấp được những hỗ trợ kỹ thuật mang tính thực tiễn cao thông qua những chương trình, dự án với mục tiêu và phương pháp tiếp cận đi từ vấn đề nội tại của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp khu vực tư nhân làm trung tâm.

Đối tượng của dự án là doanh nghiệp quy mô không quá 500 lao động, doanh thu tăng trưởng 2 năm liên tiếp trong giai đoạn 2017-2021; hoạt động trong các ngành ưu tiên nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ.

IPSC cung cấp các gói hỗ trợ cụ thể:

Gói thích ứng và tăng trưởng: hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và cải thiện hoạt động trong bối cảnh Covid-19.

Gói mở rộng thị trường: giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, xây dựng kế hoạch tiếp thị và bán hàng, triển khai và tối ưu hoá từng kênh.

Gói nâng tầm giá trị Việt:  thông qua huấn luyện từ chuyên gia, các sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại góp phần tăng cường giá trị Việt, tính độc đáo, riêng biệt sản phẩm.

Gói số hoá hoạt động doanh nghiệp:  đánh giá nhu cầu, hỗ trợ đào tạo, thực hành, hướng dẫn doanh nghiệp tích hợp và động bộ các giải pháp số hoá từ marketing, quản lý…

Gói nâng cao năng lực tài chính: nhằm tái cấu trúc tài chính và giúp doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm tài chính đa dạng.

Gói cho doanh nghiệp tiên phong, vươn ra thế giới dành cho các doanh nghiệp tiên phong có sản phẩm "giá trị Việt", thiết kế riêng theo nhu cầu và thách thức của từng doanh nghiệp, với thời gian hỗ trợ, liên tục đánh giá suốt 2 năm.

TIN LIÊN QUAN